Dân Việt

Đưa tia laser xuống ruộng: Nhiều lợi ích lớn cho nhà nông

24/03/2012 07:32 GMT+7
(Dân Việt) - Thời gian gần đây, tia laser đã được ứng dụng rộng rãi ở các tỉnh vùng ĐBSCL trong việc san phẳng mặt ruộng, góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất lúa. Đặc biệt, tia laser sẽ đạt hiệu quả rất cao nếu được ứng dụng ở những cánh đồng mẫu lớn.

Giúp giảm chi phí sản xuất

Năm 2004, Viện Lúa quốc tế chuyển giao cho Trung tâm Năng lượng và Máy nông nghiệp (Trường Đại học Nông lâm TP.HCM) bộ thiết bị san phẳng mặt ruộng bằng tia laser để thử nghiệm một số cánh đồng ở Việt Nam. Kết quả thử nghiệm rất khả quan.

img
Thiết bị san phẳng mặt ruộng định vị bằng tia laser đang hoạt động tại TP. Cần Thơ.

TS Phan Hiếu Hiền - Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết: "Từ khi tiếp nhận kỹ thuật hiện đại này, trung tâm đã kết với các địa phương như Bạc Liêu, An Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh để san mặt ruộng thử nghiệm. Thiết bị gồm máy kéo kết móc với cụm gàu san, bộ phát tia laser, bộ nhận... Hệ thống gàu san sẽ tự động hạ xuống hoặc nâng lên để giúp san bằng mặt ruộng chính xác".

Theo thống kê, vụ đông xuân 2011- 2012 đã có 300ha đất lúa sử dụng tia laser để san phẳng mặt ruộng. Ông Nguyễn Lợi Đức ở xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) là nông dân đầu tiên được áp dụng việc san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser.

Ông Đức cho biết: "Năm 2006, tôi mượn 1 bộ thiết bị san đất điều khiển bằng tia laser của Trường Đại học Nông lâm TP.HCM về sử dụng và đạt kết quả rất khả quan. Ứng dụng này đã giúp tôi giảm chi phí sản xuất 1 triệu đồng/ha/vụ".

Theo ông Đức, sử dụng bộ thiết bị này để san bằng mặt ruộng sẽ giúp nông dân giảm chi phí bơm nước, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... nhưng năng suất lại tăng lên từ 0,5 - 1 tấn/ha. Mấy mùa vụ gần đây gia đình ông Đức sử dụng thiết bị này để san bằng mặt ruộng trên diện tích 150ha. Đồng thời, ông còn làm dịch vụ san mặt ruộng thuê ở các địa phương lân cận và được nông dân hưởng ứng vì mang lại hiệu quả cao.

Sẽ ứng dụng rộng rãi

Một số địa phương đã bắt đầu sử dụng sử dụng thiết bị định vị bằng tia laser để san phẳng mặt ruộng. Ông Hồ Minh Khải - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ), cho biết: "Vùng sản xuất lúa tập trung của công ty có diện tích khoảng 5.600ha, được chia thành 8 lô rất thuận tiện. Năm nay công ty sử dụng thiết bị này để trình diễn trên đồng ruộng nếu hiệu quả sẽ áp dụng rộng rãi ở những vụ sau".

Ngay trong buổi công ty chạy trình diễn đã thu hút đông đảo nông dân ở huyện Cờ Đỏ đến tận mắt chứng kiến thiết bị hiện đại này. Ông Trần Văn Chơn - nông dân xã Thạnh Phú, còn háo hức bước xuống ruộng để kiểm tra độ phẳng của mặt ruộng. Ông nhận xét: "Trước đây đồng ruộng chỉ cày xới xong rồi sạ nên mặt ruộng lồi lõm, không kiểm soát được mực nước. Vì vậy, dẫn đến cỏ dại nhiều, ốc bươu vàng dễ sinh sôi... và nhà nông tốn rất nhiều chi phí xử lý. Có thiết bị này sẽ khắc phục được hết những nhược điểm đó".

TS Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: "Thiết bị san phẳng mặt ruộng định vị bằng tia laser đã mang lại hiệu quả cao giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lúa. Đồng thời, góp phần đáng kể vào việc giảm thất thoát sau thu hoạch. Qua thử nghiệm, thiết bị này phù hợp với đồng ruộng Việt Nam, đặc biệt hiệu quả cao đối với mô hình cánh đồng mẫu lớn”.