Dân Việt

Hàng trăm trẻ dính tay, thừa ngón kỳ lạ

25/03/2012 07:31 GMT+7
Hầu hết các trẻ em này đều ở huyện Thanh Chương (Nghệ An). Các xã như Xuân Tường, Võ Liệt, Thanh Tùng, Thanh Khai,... là nơi có số lượng các em bị mắc dị tật dính ngón chân tay nhiều nhất.

Năm nay 17 tuổi, Võ Quốc Nhật ở xóm Minh Sơn xã Thanh Tùng là một trong số gần 100 em ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) bị dị tật dính ngón, thừa ngón ở tay. Từ lúc sinh ra, ở ngón út hai bàn tay của Nhật có hai cục thịt thừa như hai ngón tay thu nhỏ, càng lớn, hai cục này càng phát triển.

img
Ngón tay của em Nhật bị dị tật thừa ở ngón cuối

Đến lớp Nhật luôn phải cố gắng che kín hai cục thịt thừa, về nhà, em cũng bị vướng víu, không thoải mái để sinh hoạt, học tập. "Nhiều lúc các bạn không hiểu, nhiều người tỏ vẻ sợ hãi khiến em rất mặc cảm", Nhật tâm sự.

Không riêng gì Nhật mà 2 người anh ruột của Nhật là Võ Văn Tiệp và Võ Văn Anh cũng bị dị tật, người thì thừa ngón, người bị dính tay. Bố của Nhật là Võ Văn Minh cũng khốn khổ với hai bàn tay vừa bị dính ngón bẩm sinh vừa thừa ngón khiến việc lao động, sinh hoạt rất khó khăn.

Gia đình họ thuộc diện nhiều thế hệ bị dị tật dính ngón, thừa ngón. Trước đây, mẹ của anh Minh cũng từng rất mặc cảm và khó chịu với chứng bệnh tương tự như con trai và cháu bây giờ.

img
Một cô bé bị dị tật thiếu xương chân, thường phải đi dày hoặc dép rọ kín

Ở cùng xã với anh Minh, gia đình anh Phạm Đức Chuyên cũng rất khốn khổ khi cả 3 đứa con đều bị dị tật ở tay chân. Trong khi cô chị đã trở thành thiếu nữ xinh đẹp nhưng hai chân bị cụt ngón vì thiếu xương, suốt ngày phải đi tất, đi giày hoặc đi dép rọ kín thì hai cậu em trai đang khốn khổ với đôi bàn tay dính ngón.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An, có khoảng 130 em nhỏ ở tỉnh này bị dị tật dính ngón ở chân, tay. Nhiều gia đình có 2 đến 3 thế hệ cùng bị.

Hầu hết các trẻ em này đều ở huyện Thanh Chương (Nghệ An). Các xã như Xuân Tường, Võ Liệt, Thanh Tùng, Thanh Khai,... là nơi có số lượng các em bị mắc dị tật dính ngón chân tay nhiều nhất. Nhiều gia đình ở huyện này cả 3 thế hệ cùng mắc, một số gia đình đời bố mẹ lành lặn nhưng thế hệ ông bà và các cháu lại có biểu hiện dị tật.

img
Một gia đình cả bố và con đều bị dính ngón, thừa ngón

"Chúng tôi cũng nhiều tuổi rồi, chấp nhận sống chung với cảnh dính ngón, thừa ngón nhưng các cháu còn trẻ, đang còn phải học hành rồi sinh hoạt bạn bè nên rất cần được phẫu thuật. Từ nhỏ đến lớn, mong ước lớn nhất của 3 đứa con tôi là có một đôi tay lành lặn, không dính ngón, không thừa ngón nhưng chưa thực hiện được", anh Võ Văn Minh tâm sự.

Bác sĩ Phan Văn Hòa, Trưởng phòng trợ giúp trẻ em - Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An cho biết, rất nhiều em bị dị tật có gốc gác họ hàng với nhau. Theo bác sĩ Hòa, dị tật dính ngón là do di truyền. Một số người có ẩn bệnh nhưng mang gene lặn nên khi sinh ra bình thường. Đến thế hệ con cái, cháu chắt của họ, nếu tính trạng lặn mà nổi lên thì sẽ thể hiện ra là dính ngón. Còn hiện tượng thừa ngón thường là do đột biến gene trong quá trình hình thành thai nhi.

"Tuy nhiên, trong thực tế cũng có những hiện tượng rất khó giải thích như bố bị dính ngón nhưng các con lại bị thừa ngón, bị thiếu xương ở chân,... Hiện nay vẫn chưa có bất cứ một công trình khoa học nào nghiên cứu về căn bệnh dính ngón, thừa ngón này ở khu vực tỉnh Nghệ An", bác sĩ Hòa cho biết.

Hiện một số gia đình có điều kiện đã đưa con đi phẫu thuật. Còn lại đa số các em vẫn chưa được tách ngón, cắt ngón thừa bởi đa số các bậc cha mẹ đều cho rằng căn bệnh này "không gây chết người", không cấp tính như những bệnh khác.

"Thế hệ cha ông chúng tôi cũng bị dính ngón, thừa ngón nhưng vẫn không sao nên khi các con bị tật như vậy, chúng tôi cũng chủ quan nên không đưa đi khám và phẫu thuật từ sớm. Chỉ đến khi các con bị bạn học xa lánh, mặc cảm, tự ti thì chúng tôi mới nghĩ đến chuyện đưa các cháu đi phẫu thuật", một người đàn ông có con bị tình trạng này giải thích.

Theo VnExpress