Dường như tỷ lệ nghịch với sự phát triển kinh tế nhanh trên thế giới, nhiều người Hàn Quốc ngày càng cảm thấy ít hạnh phúc hơn. Số liệu mới nhất của chính phủ Hàn Quốc cho biết các vụ tự tử ở nước này đã tăng hơn gấp đôi trong 10 năm qua. Trung bình mỗi ngày ở Hàn Quốc có tới 42 người tự tử khi đang ở độ tuổi từ 10-40.
Tự tử là vấn nạn lớn của Hàn Quốc. Trong ảnh, người hâm mộ đội mưa tưởng nhớ Park Yong Ha - một diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc, tự tử năm 2010. Ảnh minh họa |
Cứ 100.000 người thì có đến 28 người chết do tự tử, tỉ lệ cao nhất trong số 33 thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Đặc biệt, những người tự tử ở độ tuổi 20 chiếm đa số với 44,6%. Chưa hết, trẻ vị thành niên cũng không là ngoại lệ ở Hàn Quốc. Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết chỉ trong năm 2010 đã có tới 146 học sinh tự tử, trong số đó có 53 em học cấp 2 và 3 em học tiểu học.
Giải mã cho xu hướng tự tử đã thành trào lưu ở Hàn Quốc, các chuyên gia tâm lý nhận định rằng hầu hết các nạn nhân đều bị mắc chứng bệnh trầm cảm nặng do phải chịu quá nhiều áp lực, gặp khó khăn trong công việc hoặc dính tin đồn bôi nhọ người Hàn Quốc rất coi trọng danh dự, họ có xu hướng hình thành lòng tự tôn của mình thông qua cách người khác cảm nhận và đánh giá họ như thế nào. Khi không thể hiện được mình với mọi người theo cách tốt nhất hoặc khi lòng tự trọng bị tổn thương, họ tìm tới cái chết.
Mở khóa học chết thử để ngăn chết thật
Để đối phó với “quốc nạn” này, Hàn Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn ngừa như thành lập các trung tâm ngăn chặn tự tử trên cả nước, lắp đặt điện thoại khẩn cấp trên các cây cầu, mở thêm các phòng tư vấn sức khỏe tâm thần trên khắp cả nước, tăng cường các chương trình giáo dục cho giới trẻ…
Đặc biệt, gần đây ở Hàn Quốc còn có các khóa học “chết thử” để ngăn chặn nạn tự tử đang gia tăng ở nước này. Giáo sư điều dưỡng tại Đại học Sahmyook (Hàn Quốc) Kang Kyung-ah và cũng là người tổ chức khóa học “chết thử” ở một quận Đông Bắc Seoul, cho biết: “Trải nghiệm cảm giác sắp chết sẽ mang lại ý nghĩa về sự sống cho tất cả mọi người, dù họ trẻ hay già”. Còn một người từng có ý định tự tử khẳng định: “Chỉ có một bước từ sự sống đến cái chết, nhưng sự khác biệt rất lớn”.
Theo Giáo sư Kang, “khóa học này có thể giúp nhiều người thay đổi nhận thức về ý nghĩa cuộc sống và giúp họ có cơ hội hiểu bản thân hơn”. Dẫn chứng cụ thể, ở tuổi 62, ông Ha Yu-soo bắt đầu lo nghĩ về cái chết và tự hỏi không biết khi nào tử thần sẽ gõ cửa. Thế rồi, ông Ha quyết định tham gia một lớp học “chết thử” ngay tại Hàn Quốc.
Ông được mặc một chiếc áo choàng truyền thống bằng sợi gai dầu màu vàng (thứ trang phục được mặc cho người chết ở Hàn Quốc) và nằm vào trong một chiếc quan tài. Ông cảm thấy bình an cho đến khi nắp quan tài đóng lại, chỉ còn bóng tối và sự ảm đạm. Khi đó, ông mới nhận ra nỗi sợ hãi tồi tệ nhất: bóng tối vĩnh cửu cuối cùng đã đến. Bước ra khỏi chiếc quan tài lạnh lẽo, ông Ha nói cùng tiếng thở dài nhẹ nhõm: “Ơn trời vì đây chỉ là một lễ tang giả”.
Ông Ha là một trong số 70 người tham dự khóa “chết thử” được một văn phòng địa phương ở quận Đông Bắc Seoul thực hiện. Phương châm của khóa học này là: “Đừng biến cuộc sống thành một sự ban ơn”.
Bà Baek Sung-ok, mắc bệnh ung thư buồng trứng từng từ chối hóa trị vài năm trước, cho biết việc trải nghiệm cái chết thử làm bà cảm thấy trân trọng hơn những người xung quanh. Bà cất tiếng từ trong quan tài: “Tôi sẽ từ bỏ tính tham lam, ích kỷ với chồng và yêu con gái nhiều hơn”.
Theo China Daily, một hoạt động khác trong khóa học “chết thử” này là viết thư tuyệt mệnh. “Ngay cả khi cha không còn trên cõi đời này, mong các con hãy hòa thuận và vị tha hơn với nhau”, viết những dòng trên cho 4 con yêu của mình, ông Kim Young-sook đã không thể cầm lòng. Đúng là trải nghiệm cảm giác sắp chết sẽ mang lại ý nghĩa về sự sống cho tất cả mọi người.
Tất nhiên, trong khi một số người thấy đám tang giả như một cách để phản ánh cuộc sống và chuẩn bị cho cái chết, thì nhiều người lại hoài nghi liệu việc mô phỏng cái chết có thể ngăn chặn tự sát và cho rằng một số doanh nhân đang làm việc này để kiếm lời. Giáo sư Kang phản biện: “Thay vì chuẩn bị cho cái chết, chương trình này muốn họ nghĩ về cuộc sống và tận hưởng nó một cách có ý nghĩa hơn”.