Dân Việt

Nhạc kịch thiếu nhi Hàn Quốc: Trông người mà ngẫm đến ta

25/03/2012 11:53 GMT+7
“Tình yêu đích thực” một vở nhạc kịch sinh động của Hàn Quốc do các diễn viên nhỏ thể hiện về đề tài tình yêu bằng tiếng Anh có phụ đề, nhưng các nghệ sĩ ở tuổi “chưa được yêu” đã thuyết phục người xem một cách ngoạn mục.

Tình yêu đi qua nhiều xứ sở

Vở nhạc kịch “Choon-Hyang – Tình yêu đích thực” do các em thiếu nhi Hàn Quốc biểu diễn mới đây tại Nhà hát kịch Hà Nội, chào mừng 20 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc. Được biết, “Choon-Hyang – Tình yêu đích thực” đã trở thành hiện tượng và lôi cuốn sự yêu mến của khán giả trên toàn thế giới từ Mỹ đến Trung Quốc, Singapore đến Canada, Nhật Bản đến Ấn Độ...

img
Các diễn viên nhí của Hàn Quốc biểu diễn tại Nhà hát kịch Hà Nội

Chuyện kể về mối tình Choonhyang – con gái một kỹ nữ với Lee Mong-Ryong – con trai nhà quý tộc. Khi tình yêu say đắm vừa nhen nhóm, Lee Mong-Ryong phải theo cha đi công vụ. Viên quan mới về thị trấn trị nhậm, vốn háo sắc, hắn ép buộc Choonhyang nhưng nàng cự tuyệt và bị giam giữ. Trong khi tên quan gây đau khổ cho cả vùng thì Lee Mong-Ryong đỗ cao và được vua phong Án hành ngự sử.

Chàng trở về điều tra chốn cũ vào thời điểm tên quan sắp giết Choonhyang trong ngày sinh nhật của hắn. Giả làm kẻ ăn mày sau khi sạt nghiệp, Lee Mong-Ryong vẫn nhận được sự hy sinh của người yêu khi nàng nhận lời tên quan để giải thoát cho chàng. Và đúng vào lúc Choonhyang thà chết để giữ trọn tình yêu thì quan Án hành ngự sử xuất hiện uy nghi. Kẻ ác bị trừng trị, sự yên bình trở lại thị trấn và hạnh phúc đến với lứa đôi như lời ước hẹn.

Câu chuyện giản dị và cảm động, được truyền tải tới các khán giả nhỏ và phụ huynh qua các màn vũ đạo linh hoạt, đồng đều với nhảy breakdance, múa kiếm Hàn Quốc, nhảy chiến binh với màn võ Taekwondo và Samul-nori. Các màn múa, nhảy này luôn hài hòa với không khí sôi động hoặc thong thả, lãng mạn do âm nhạc và những màn ánh sáng sinh động tạo nên.

Thiết kế sân khấu và trang phục, đạo cụ được làm chi tiết, màu sắc rực rỡ, đậm tính dân tộc. Các em diễn hoạt bát, tự tin, nói và hát tiếng Anh lưu loát, khán giả vẫn hiểu vì có phụ đề tiếng Hàn và tiếng Việt. Điều thú vị nữa là tác phẩm thể hiện câu chuyện truyền thống nhưng ê kíp dàn dựng khéo léo gài vào những động tác, phong cách diễn sôi động, hiện đại.

Đáng để suy nghĩ

Dàn dựng cho trẻ em diễn những đề tài người lớn, nhất là chuyện tình yêu, chuyện hầu như không có trên sân khấu Việt. Lại là những vở kịch dài mà ở đó, các diễn viên nhí quán xuyến từ đầu chí cuối thì lại càng hiếm hoi. Ở ta trước vốn quen với các tiểu phẩm, hoạt cảnh, hoạt ca do các cháu thể hiện, nay cách làm này cũng đang vắng dần.

Nhiều vở diễn đề tài cho thiếu nhi, chủ yếu thường do các cô chú người lớn hoá thân vào vai các cháu với những câu chuyện giáo dục về đạo đức, tình cảm gia đình, bạn bè, quê hương… Nhưng những sản phẩm ấy, nội dung thường nặng nề, nói nhiều, hành động ít, trang phục, đạo cụ thường lặp đi lặp lại, không khí chung đơn điệu từ đầu đến cuối.

Những năm gần đây, tình trạng này đã ít nhiều được cải thiện với một số tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi. Tiêu biểu là chương trình “Ngày xửa ngày xưa” của sân khấu kịch Idecaf TP.HCM. Mỗi số “Ngày xửa ngày xưa” phóng tác những câu chuyện cổ tích hay mượn cốt truyện, nguyên mẫu từ tác phẩm nước ngoài như “Tấm Cám”, “Tây du ký”, “Na Tra”, “Tarzan”, “Lọ Lem”, “Bạch Tuyết”… với sự tham gia của dàn diễn viên đông đảo, trang phục sặc sỡ, trang trí cầu kỳ, âm nhạc sôi động…

Sự đổi mới này đã đem lại món ăn tinh thần mới cho các em, song những chương trình như thế còn quá ít, chưa kể việc nhập vai các nhân vật vẫn là các cô chú diễn viên, chưa tạo cơ hội cho các diễn viên nhỏ được lên sân khấu.

Bên cạnh đó, những chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi của một số đơn vị khác như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát kịch Việt Nam… còn thiên về tính “thời vụ” khi hầu như chỉ ra mắt phục vụ các em vào những dịp 1-6, Trung thu chứ không đỏ đèn được thường xuyên. Nhiều tác phẩm còn na ná giống nhau về cách thể hiện qua các năm và mặc dù biểu diễn cho thiếu nhi, nhưng các màn hoạt động còn thiếu điêu luyện, sáng tạo nên chưa thật hấp dẫn.

Theo Phụ nữ Thủ đô