Thật là một kết quả không mấy khó đoán. Nhưng đọc bài trả lời phỏng vấn nhằm “trấn an” dư luận rằng việc treo bức ảnh tượng Lạc Sơn Đại Phật- một danh thắng của Trung Quốc là do “đơn vị thi công nhầm lẫn” chứ không phải là do những nhân viên của Tổng cục chịu trách nhiệm nội dung gian hàng không phát hiện ra, nhiều người lại càng bức xúc hơn.
Việc tổ chức một gian hàng quảng bá du lịch tại hội chợ quốc tế không thể nói là không quan trọng, vì đó là thể diện quốc gia, quảng bá hình ảnh đất nước, thế mà đằng này, Tổng cục Du lịch- cơ quan có chuyên môn cao nhất phụ trách du lịch lại có cái “nhầm lẫn” chết người này thì quả là khó hiểu.
Chỉ có thể giải thích bằng 2 khả năng- thứ nhất, nhân viên của Tổng cục đã không thể phân biệt được đâu là thắng cảnh nước mình, thắng cảnh nước người nên cứ thế treo lên. Còn nếu không phải vì dốt mà vẫn cứ treo lên thì chỉ có quy về khả năng thứ hai, đó là thói vô trách nhiệm đã ăn sâu vào máu. Vô trách nhiệm tới mức chẳng cần biết đến công việc mình đang làm, nhắm mắt nhắm mũi thấy tranh là treo, như những cái máy.
Cả hai khả năng trên, đương nhiên những người gây ra lỗi lầm không chịu nhận, nên Tổng cục đã chọn phương án 3, tức là do “nhầm lẫn”. Nhưng ông Cục trưởng đã không giải thích rõ bức tranh từ đâu ra, tại sao lại lọt vào số tranh cần treo trong gian hàng, ông chỉ cho biết toàn bộ tranh trong gian hàng đã được duyệt thiết kế và giao cho đơn vị thi công làm. Vậy ai là người có trách nhiệm duyệt những nội dung trưng bày trong đó, có người duyệt không hay duyệt mà cũng không phát hiện ra sự “nhầm lẫn” tai hại này? Để đến nỗi phải có người chụp ảnh đưa lên trang cá nhân, dư luận um xùm lên thì mới phát hiện ra “nhầm lẫn”.
Tổng cục trưởng cho biết, trách nhiệm của đơn vị mình trong nhầm lẫn này chỉ là “trách nhiệm liên đới” thôi, và sẽ rút kinh nghiệm. Nhưng ở ta, không chỉ có vụ này, nhiều vụ khác cũng xin rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm rút mãi rồi, mà có thay đổi được gì đâu!.
Lê Tâm