Dân Việt

Nhọc nhằn giáo viên cắm bản

11/03/2013 06:39 GMT+7
(Dân Việt) - Cô Loan nhớ mãi kỷ niệm cách đây vài năm, khi cơn lũ lớn kéo từ thượng nguồn đổ về, con đường độc đạo từ trung tâm xã vào trường có những đoạn dài biến mất trong làn nước đục ngầu.

Từ trung tâm xã Ngọc Mỹ, vượt hơn 20km đường rừng, chúng tôi mới đến được xóm Cóc - nơi được xem là khó khăn bậc nhất của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, để gặp gỡ những thầy cô đang ngày ngày "gieo" con chữ cho trẻ em nơi đây.

"Cõng” chữ lên non

Trò chuyện với những thầy cô tuổi đời còn rất trẻ, chúng tôi như bị cuốn vào những câu chuyện đầy khó khăn nhưng cũng rất thú vị về hành trình "cõng” chữ lên non của họ. Cô giáo tiểu học Lương Thị Loan, một trong những người có mặt đầu tiên ở xóm Cóc chia sẻ: "Những ngày đầu mới thành lập trường, do điều kiện còn khó khăn, giáo viên phải ngủ dưới đất, dù ngoài trời có lúc xuống dưới 10 độ C. Tình trạng thiếu lương thực cũng xảy ra thường xuyên".

img
"Cung đường tử thần" - nơi các thầy cô giáo xóm Cóc thường xuyên phải đối mặt.

Cô Loan nhớ mãi kỷ niệm cách đây vài năm, khi cơn lũ lớn kéo từ thượng nguồn đổ về, con đường độc đạo từ trung tâm xã vào trường có những đoạn dài biến mất trong làn nước đục ngầu. Trong khi lương thực, thực phẩm dự trữ đã cạn kiệt, các thầy cô phải liều mình tìm lối khác để ra trung tâm lấy lương thực. Mọi người phải chọn con đường vòng vượt qua các ngọn núi cao, suốt một ngày, một đêm ròng rã đi bộ và tìm đường, họ mới đến được trung tâm xã.

Những tấm lòng nhiệt huyết…

Mặc dù khó khăn là vậy nhưng hệ thống giáo dục ở xóm Cóc khá đồng bộ. Tại đây có đầy đủ 3 cấp học từ mẫu giáo đến THCS. Những con chữ vẫn ngày ngày miệt mài được mang đến với con em nơi bản nghèo.

Không chỉ khó khăn về sinh hoạt, điều kiện giảng dạy của các thầy cô cũng gặp rất nhiều trở ngại. Thời điểm chúng tôi đặt chân đến xóm Cóc này, nơi đây vẫn chưa hề có ánh sáng điện. Những khi lũ về, các con suối đỏ ngầu, dòng nước chảy xiết, để giúp các em nhỏ có thể tới trường học đầy đủ, đúng giờ, các thầy cô đã tình nguyện đến tận nhà để cõng các em tới trường.

Ngoài ra, học sinh ở đây đều là người Mường, bắt đầu bước chân tới trường hầu hết các em không nói được tiếng Kinh, vì vậy quá trình giảng dạy trong những tháng đầu của các thầy cô nơi đây vô cùng vất vả.

Dù còn nhiều gian nan vất vả, nhưng chắc chắn những con chữ vẫn sẽ được "gieo" nơi đây, bởi vẫn còn đó những tấm lòng đầy nhiệt huyết của các thầy các cô. Chia tay xóm Cóc về trung tâm xã, chúng tôi có một cảm giác tự hào, khâm phục, xen lẫn sự biết ơn đối với các thầy cô giáo "cắm" bản nơi đây.

Trong tôi như ngân lên câu hát "…Núi rừng đây thêm sáng, bếp lửa đây thêm hồng. Em bé ngày càng thêm ngoan. Dân khắp bản càng thêm yêu cô, cô giáo đẹp như hoa mai rừng…".