Dân Việt

Làm văn hóa xã... cho vui

12/03/2013 06:32 GMT+7
(Dân Việt) - Cán bộ văn hoá - xã hội (VHXH) là một trong 7 chức danh chuyên môn, nghiệp vụ cấp xã. Ở miền núi Phú Yên, không ít người tâm niệm làm cán bộ văn hóa xã là để... cho vui.

Ra rẫy mà tìm

Các bí thư, chủ tịch xã nói vui về cán bộ văn hoá cơ sở của mình là “chức vụ” đầy mình nhưng hoạt động còn nhiều khó khăn, cản ngại vì học ít, lương thấp, kinh phí hoạt động “ngẫu hứng”. Phú Yên có 112 cán bộ VHXH xã, phường, thị trấn, trong đó chưa quá 50% được đào tạo nghiệp vụ quản lý văn hoá, đa số đạt trình độ trung cấp chuyên nghiệp, còn lại chủ yếu qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do tỉnh, huyện tổ chức và tự học. Cũng có xã đưa cán bộ VHXH đi đào tạo trình độ đại học, nhưng vừa tốt nghiệp đã làm... chỗ khác.

img
Khán giả tại một đêm văn nghệ ở miền núi Sơn Hòa (Phú Yên).

Ngân sách hàng năm cho hoạt động văn hoá, thể thao của xã, phương thì mỗi nơi bố trí mỗi kiểu. Xã, phường, thị trấn vùng đồng bằng cấp kinh phí cho hoạt động văn hoá, thể thao, truyền thanh nơi thấp nhất cũng trên 30 triệu đồng/năm. Ví như, An Ninh Tây (Tuy An) là xã có mức phân bổ kinh phí cao, khoảng 60 - 80 triệu đồng/năm. Riêng các xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số, như Ea Lâm (Sông Hinh) chỉ có 15 triệu đồng/năm, Suối Trai (Sơn Hòa) 4 triệu đồng...

Chăm lo đời sống văn hoá tinh thần cho cả nghìn dân của một xã mà chỉ chừng ấy kinh phí, anh em văn hoá miền xuôi nói vui là “chỉ đủ tiền cắt dán khẩu hiệu”. Còn ở miền núi, anh Kpáy Khương - Trưởng ban VHXH xã Suối Trai nói: “Hôm trước, tui đưa đội bóng chuyền thi đấu giải huyện nhưng không đủ tiền cho vận động viên ăn cơm trưa vì kinh phí cấp cho hoạt động văn hoá đã cạn”. Chủ tịch UBND xã Suối Trai thì có cách lý giải khác: “Chẳng phải xã phân bổ kinh phí thấp mà cái chính là do thiếu cán bộ được việc. Khi cán bộ có nghiệp vụ, năng động, biết tổ chức công việc thì xã sẵn sàng bố trí đủ kinh phí theo nhu cầu; trước đây, có cán bộ văn hoá được phân bổ 4 triệu đồng/năm nhưng không biết làm gì cho hết!”.

Tại một lớp tập huấn công tác văn hoá cơ sở do Sở VHTTDL Phú Yên tổ chức, chỉ mới gặp 5-7 cán bộ, nghe ai cũng than công việc thì nhiều mà đời sống chẳng ra làm sao. Khảo sát công tác xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình của xã Ea Trol (Sông Hinh), không thấy có cán bộ phụ trách văn hoá, Phó Chủ tịch UBND xã Nay Y Bình cho biết: “Cán bộ văn hoá của xã đã tự động bỏ việc, hiện chưa có người thay. Do không có bằng cấp nên cán bộ này xếp theo diện hợp đồng, với mức phụ cấp 830.000 đồng/tháng, thu nhập thấp, nên nó làm việc bữa đực, bữa cái. Thích thì tới làm, không thì ở nhà, uỷ ban có việc cần phải cử người ra... rẫy mà tìm. Xã cho nó đi học lớp quản lý văn hoá ở tỉnh thì vợ nó không cho đi, đành chịu chứ biết làm sao”.

So Chăm Minh - cán bộ VHXH xã Ea Chà Rang, là bộ đội phục viên, cũng thiếu bằng cấp nên phải xếp theo cấp phó (là những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, theo Quyết định 1110/2010 của UBND tỉnh Phú Yên). So Chăm Minh nói: “Nhà cách trụ sở xã khoảng 2 cây số, ngày 4 lượt đi về, chưa kể đi công tác về các thôn, buôn; với mức phụ cấp 830.000 đồng, tiền xăng xe đã tiêu hết nửa. Thu nhập chủ yếu của gia đình mình là nuôi bò và trồng sắn mía, còn công việc ở xã thì làm cho vui, chứ trông chờ vào đấy chỉ có mà... chết đói!”.

Không biết việc cho làm văn hóa

Đáng lo ngại hơn, hầu hết cán bộ văn hoá người dân tộc thiểu số chưa có ai được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ. Vào một buôn đồng bào Ê Đê ở xã Ea Trol (Sông Hinh), hỏi người dân: Nhà mình có biết tại sao phải xây dựng gia đình văn hoá, buôn văn hoá? Họ trả lời: “Không biết! Cán bộ nó nói gì tao không hiểu”. Khi cán bộ mà trình độ nghiệp vụ “lơ mơ”, ấp úng trong công tác vận động, người dân không hiểu cán bộ nói gì cũng là lẽ đương nhiên. Về xã Ea Chà Rang (Sơn Hoà), ông Tân - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, từ năm 2005 đến nay, xã đã 5 lần thay cán bộ VHXH do làm không “chạy” việc, trong đó có người bỏ việc vì lương không đủ sống...

“Nhà cách trụ sở xã khoảng 2 cây số, ngày 4 lượt đi về, công tác về các thôn, buôn; với mức phụ cấp 830.000 đồng, tiền xăng xe đã tiêu hết nửa. Thu nhập chủ yếu của gia đình mình là nuôi bò và trồng sắn mía, còn công việc ở xã thì làm cho vui, chứ trông chờ vào đấy chỉ có mà... chết đói!”.

Hiệu quả của công tác VHXH xã tùy thuộc rất nhiều vào trình độ, năng khiếu, sự nhiệt tình và năng động của mỗi cán bộ. Chuẩn của một cán bộ văn hoá thường là “phải giỏi một việc, biết nhiều việc”, như: Kỹ năng tuyên truyền miệng, đàn hát, viết, vẽ, làm trọng tài thể thao, có khả năng “cầm càng” các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao... Việc bố trí cán bộ theo kiểu chắp vá, coi thường theo kiểu “không có văn hoá cũng chẳng chết ai” dẫn tới cán bộ nào thiếu nghiệp vụ là “đẩy” cho làm văn hoá; khi không làm được việc lại thay đổi...

Nên chăng, cấp có thẩm quyền và ngành chức năng cần chính sách cụ thể, phù hợp cho cán bộ là người dân tộc thiểu số ở các xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn phải được ưu tiên hơn một mức so với các vùng khác. Có như vậy, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống; mức hưởng thụ về văn hoá của người dân nói chung và miền núi mới thật sự ngày càng được cải thiện, bền vững...