Thực hiện khuyến cáo của Bộ NNPTNT, vụ đông xuân này, tại một số tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, hơn 70% diện tích đều sử dụng giống hạt dài hoặc jasmine. Một nghịch lý đang xảy ra khiến hàng ngàn nông dân trồng lúa chất lượng cao lo âu và “khóc ròng” vì thương lái và doanh nghiệp chỉ mua lúa... chất lượng thấp.
Với giá bán không chênh lệch mấy và khó tiêu thụ, lúa chất lượng cao hiện đang là nỗi “ám ảnh” của người dân trồng lúa.
Nhà nông rầu thúi ruột vì lúa chất lượng cao thương lái không mua. |
Khốn khổ với lúa chất lượng cao
Ông Nguyễn Văn Tân ở huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ cho biết: Vụ đông xuân năm nay, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương, tôi gieo sạ giống lúa jasmine thay cho giống lúa IR 50404. Mặc dù trồng lúa chất lượng cao tốn công chăm sóc, chi phí cao… thế nhưng năng suất lại thấp, giá bán chỉ nhỉnh hơn lúa chất lượng thấp chỉ từ 100 – 300 đồng/kg, trong khi đầu ra lại hết sức khó khăn.
“Giống lúa jasmine chỉ được thương lái thu mua khoảng 4.600 – 4.800 đồng/kg; còn lúa khô thì khoảng 6.300 – 6.400 đồng/kg, so với năm ngoái thấp hơn 1.000 đồng/kg, nếu bán lúc này thì người nông dân chỉ có thể hòa vốn hoặc thua lỗ” – ông Tân than vãn.
Lão nông Nguyễn Văn Cung, ngụ huyện Vị Thủy, Hậu Giang so sánh rằng: “Lúa IR 50404 tuy giá thấp hơn lúa chất lượng cao nhưng bù lại năng suất lại cao hơn gấp 2 lần, lợi nhuận thu được cao hơn làm lúa chất lượng cao nhiều lần và quan trọng hơn cả là dễ tiêu thụ lúa”.
Mặc dù lúa chất lượng cao hiện đang được thu hoạch rộ, ở nhiều nơi lúa phải chất đống ngoài sân nhưng không bán được, các thương lái chỉ đến hỏi mua lúa IR50404. Trước tình hình trên, nhiều thương lái tranh thủ “ép” giá, buộc lòng nhiều người phải bán tháo, bán đổ để lấy tiền xoay xở chi tiêu gia đình và trả tiền phân bón, thuốc men.
Có khoảng 70% trong tổng số 300.439ha lúa đông xuân của tỉnh Kiên Giang được người dân trồng các loại lúa chất lượng cao như jasmine, lúa hạt dài. Vụ đông xuân này, huyện Tân Hiệp xuống giống 36.655ha, trong đó khoảng 40% diện tích trồng lúa phẩm cấp thấp IR50404, còn lại bà con trồng lúa chất lượng cao jasmine và lúa hạt dài.
Nhiều nhà nông ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), Cần Thơ, Hậu Giang cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự hàng ngàn tấn lúa OM 4900, lúa thơm jasmine… sau khi thu hoạch chất đống vẫn không tìm được đầu ra. “Nhiều nông dân tỏ ra vô cùng búc xúc vì họ thực hiện tuân thủ theo chủ trương của ngành nông nghiệp, chuyển sang trồng lúa chất lượng cao nhưng khi thu hoạch lại không bán được. Thiệt thòi nhất cuối cùng cũng là người nông dân” – lão nông Ba Lập, ngụ huyện Long Mỹ, Hậu Giang bức xúc.
Chủ yếu xuất gạo chất lượng thấp
Chiều 10.3, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Dương Nghĩa Quốc – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho hay: “Sở dĩ hiện nay tình hình lúa chất lượng cao khó tiêu thụ là do hiện đầu ra chưa ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao, cho nên các doanh nghiệp chỉ tìm mua các giống lúa có phẩm cấp thấp để chế biến xuất khẩu theo đơn đặt hàng.
Nhiều nước hiện nay đang có nhu cầu nhập gạo cấp thấp hoặc gạo cấp cao trộn lẫn với gạo cấp thấp nên gạo IR 50404 vẫn xuất khẩu được. Từ đó làm ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm của bà con nông dân”.
Ông Trần Quang Củi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho rằng: “Ngoài tác động của thị trường, khó khăn nhất hiện nay là cung cách làm ăn manh mún, nhỏ lẻ của các doanh nghiệp. Việc chưa chú trọng vào xây dựng thương hiệu hạt gạo, xây dựng các vùng nguyên liệu, kế hoạch xuất khẩu lâu dài, dẫn đến khó tìm được đầu ra ổn định”.
Còn ông Nguyễn Thanh Liêm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cũng băn khoăn: “Một nghịch lý đang xảy ra là lúa chất lượng cao như OM 4900 rất khó bán và nhà nông không biết mức giá bao nhiêu. Năm nay, lúa chất lượng cao thu hoạch tập trung với sản lượng khá lớn nhưng lại gặp khó trong tiêu thụ tìm đầu ra”.
Đức Khánh