Dân Việt

Cây cà phê Lâm Đồng cần “thay máu”

12/03/2013 09:02 GMT+7
(Dân Việt) - Ở hầu hết các vùng cà phê trọng điểm của Lâm Đồng như Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà…, loại cây trồng này đã và đang bị nhiều dịch bệnh tấn công.

Lâm Đồng là tỉnh đứng thứ hai trong cả nước về diện tích và sản lượng cà phê (sau Đăk Lăk): 144.000ha và 350.000 tấn. Trong chương trình phát triển Tây Nguyên, cùng với Đăk Lăk, Lâm Đồng được xác định là một trong hai “tiểu vùng” cà phê trọng điểm của Tây Nguyên và của cả nước.

Ở hầu hết các vùng cà phê trọng điểm của Lâm Đồng như Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà…, loại cây trồng này đã và đang bị nhiều dịch bệnh tấn công. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, trong 144.174ha cà phê hiện có của tỉnh, các loại bệnh rỉ sắt thường xuyên hoành hành ở 20.000ha, bệnh vàng lá 18.000ha, bệnh khô cành 30.000ha…

Các loại bệnh này đang có dấu hiệu lây lan nhanh chóng khắp địa bàn Lâm Đồng. Ông Võ Ngọc Tường ở Lộc Nam (Bảo Lâm) cho biết: “Thời điểm cuối tháng 2 đầu tháng 3 này ở Lâm Đồng hầu như không có mưa, cây cà phê đã trải qua một giai đoạn thiếu nước nên khả năng chống chọi dịch bệnh của nó rất kém. Đây cũng là lúc cây cà phê cần được tưới nước. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp kèm theo để phòng ngừa bệnh (cùng với tưới nước là phải xịt thuốc bảo vệ thực vật) thì chính đây là cơ hội để dịch bệnh tiếp tục tấn công loại cây trồng này”.

Một trong những nguyên nhân để dịch bệnh hoành hành trên cây cà phê ở Lâm Đồng còn là khả năng chống chọi của loại cây trồng này ngày càng kém. Thống kê của Sở NNPTNT, trong hơn 144.000ha cà phê hiện có của tỉnh, có đến 60.000ha già cỗi, mất khả năng kháng bệnh, cần được thay thế. Ông Lê Văn Minh – Giám đốc Sở NNPTNT cho biết: “Chương trình cải tạo vườn cà phê ở Lâm Đồng bằng cách trồng thay thế hoặc ghép các giống mới có năng suất và chất lượng cao đã được thực hiện từ năm 2007 đến nay và sẽ phải tiếp tục thực hiện trong những năm sắp đến.

Lâm Đồng đưa ra lộ trình: Từ 2007 đến nay đã cải tạo được 18.000ha; đến 2015 tiếp tục cải tạo 33.000ha; và đến năm 2020 cần tiếp tục cải tạo 1.000ha.