Đời sống người dân được nâng cao
Chúng tôi đến xã Bản Lầu trong những ngày đầu xuân khi các chiến sĩ ở ĐBP cùng đồng bào cư dân xã biên giới này đang hòa vào không khí của lễ hội xuống đồng. Ngoài gieo cấy vụ đông xuân cho kịp thời vụ, các chiến sĩ biên phòng còn giúp bà con trồng thuốc lá, ngô…
Ông Hoàng Văn Minh – Chủ tịch UBND xã cho biết, Bản Lầu là cửa ngõ biên giới của huyện Mường Khương, với diện tích tự nhiên 5.711ha, toàn xã có 1.341 hộ/5.978 nhân khẩu, có 11 dân tộc anh em khác nhau cùng chung sống ở 21 thôn. Bản Lầu rất vinh dự là một trong 4 xã được huyện Mường Khương chọn để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2015.
Bàn giao nhà vệ sinh cho gia đình ông Sùng Seo Sài ở thôn Cốc Lầy, xã Bản Lầu. |
Theo trung tá Bùi Thế Nghi - Đồn trưởng ĐBP Bản Lầu, để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương xây dựng NTM trên địa bàn xã, đồn đã phối hợp với các cấp ủy, chính quyền xã Bản Lầu huy động cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn vào cuộc một cách quyết liệt làm thay đổi tư tưởng, nhận thức của nhân dân. “Dù dân số đa phần là đồng bào H’Mông, nhưng đến nay kinh tế của người dân ở Bản Lầu ngày càng được cải thiện; có hộ thu nhập từ trồng dứa, chuối 100-200 triệu đồng mỗi năm” - trung tá Nghi nói thêm.
Nhờ công tác phối hợp tuyên truyền giữa ĐBP và chính quyền địa phương, sau gần 2 năm triển khai xây dựng NTM, nhân dân nơi đây đã tích cực vào cuộc. Chỉ riêng năm 2012, đã có 104 hộ tự nguyện hiến được 32.675m2 đất, đóng góp trên 1.500 ngày công, hoàn thành đổ bê tông và đưa vào sử dụng tuyến Cầu Trắng - Na Nhung dài 520m, tuyến Đồi Gianh dài 630m...
Mỗi gia đình có một nhà vệ sinh
Với phần đông là đồng bào H’Mông sinh sống, nên phong tục cưới xin, ma chay ở Bản Lầu vẫn còn nhiều hủ tục. Trong khi đó, hầu hết các hộ dân đều không có nhà vệ sinh, trâu, bò, lợn vẫn được nuôi thả tự do hoặc nhốt ở ngay gầm nhà sàn... Chính trị viên phó ĐBP Bản Lầu Cù Xuân Thảo cho biết, đồn có tham gia xây nhà vệ sinh cho người dân ở thôn Đồi Danh. Để góp phần cải thiện môi trường nông thôn của xã, đồn đã phối hợp với chính quyền địa phương phát động sâu rộng đến 21 thôn làm theo khẩu hiệu “Mỗi gia đình có một nhà vệ sinh và một hố đựng rác”.
Nhờ phong trào này mà đã có không ít hộ dân ở đây giờ đã có nhà vệ sinh riêng, nhà cửa vì thế cũng sạch sẽ hơn. Ông Sùng Seo Sài ở thôn Cốc Lầy phấn khởi nói: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, từ bao đời nay sinh hoạt tạm bợ đã quen, nhưng khi thấy nhiều hộ có nhà vệ sinh tự hoại cũng muốn làm mà không đủ sức làm được. Song nhờ có các chiến sĩ ĐBP Bản Lầu đã hỗ trợ cả vật chất và ngày công nên trước Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình tôi đã có nhà vệ sinh mới khang trang, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh”.
Được biết, trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, ĐBP Bản Lầu còn phối hợp với UBND xã Lùng Vai tổ chức nghiệm thu, bàn giao 10 nhà vệ sinh cho 10 hộ gia đình thuộc hộ nghèo ở thôn Cốc Lầy. Kinh phí xây nhà vệ sinh là của các hộ gia đình và cán bộ, chiến sĩ ĐBP Bản Lầu đóng góp công xây dựng với trị giá tiền công mỗi nhà vệ sinh là hơn 1 triệu đồng.
Thanh Xuân