Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn thông báo của chiến dịch Sáng kiến Xóa bỏ bệnh Uốn ván ở các Bà mẹ và Trẻ sơ sinh cho biết từ năm 1999 đến nay, hơn 118 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở 52 quốc gia đã được tiêm phòng uốn ván.
Tiêm vắcxin "5 trong 1" cho trẻ em dưới 1 tuổi ở trạm y tế xã Gia Sơn, huyện Nho Quan. |
Trong số đó, nhiều người được tiêm vắcxin uốn ván như một phần trong chiến dịch cứu sống trẻ em với nhiều biện pháp can thiệp gồm tiêm phòng sởi, bổ sung Vitamin A, thuốc tẩy giun và cung cấp thông tin về chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh.
Ở thời điểm khi sáng kiến này được triển khai năm 1999, ước tính có hơn 200.000 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong do uốn ván hàng năm. Đến năm 2010, con số này giảm xuống còn khoảng 58.000 trẻ.
Theo thống kê, trung bình mỗi 9 phút lại có một trẻ sơ sinh tử vong do bệnh uốn ván và hầu hết những trẻ này đều sinh ra trong các gia đình nghèo sống ở những khu vực và cộng đồng khó khăn nhất.
Bệnh uốn ván lây nhiễm khi đứa trẻ ra đời trong điều kiện mất vệ sinh, các dụng cụ y tế không vô trùng vẫn được dùng để cắt dây rốn hoặc sử dụng ở khu vực nhiễm trùng gần rốn. Ở thời điểm đó, thậm chí mạng sống của người mẹ cũng gặp nguy hiểm.
Chiến dịch Sáng kiến cho biết bệnh uốn ván có thể dễ dàng phòng ngừa bằng cách tiêm một loại vắcxin cho người mẹ. Với ít nhất 3 liều tiêm phòng, bà mẹ và trẻ sơ sinh có thể được bảo vệ trong 5 năm.
Dù vậy mới chỉ có một nửa trong số 59 quốc gia ưu tiên đã đạt tiến bộ, còn 28 nước khác vẫn chưa đạt được mục tiêu xóa bỏ bệnh uốn ván.
Thách thức chủ yếu trong việc xóa bỏ bệnh uốn ván là do chiến dịch không thể tiếp cận tất cả các cộng đồng do vấn đề an toàn, các rào cản văn hóa, các ưu tiên cạnh tranh và ngân sách hạn hẹp.
Hiện nay các nước đã loại trừ bệnh uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh gồm Bangladesh, Benin, Bukina Faso, Burundi, Cameroon, Trung Quốc, Comoros, Congo, Cote d'Ivoire, Ai Cập, Eritrea, Ghana, Guinea-Bisau, Iraq, Liberia, Malawi, Mozambique, Myanmar, Namibia, Nepal, Rwanda, Senegal, Nam Phi, Tanzania, Timor Leste, Thổ Nhĩ Kỳ, Togo, Uganda, Việt Nam, Zimbabwe và Zambia.
Sáng kiến nói trên là một chiến dịch cộng tác công-tư quốc tế với sự tham gia của chính phủ các nước, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Liên minh GAVI, USAID/Tiêm chủng Cơ bản, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh, Tổ chức Cứu Trẻ em và Tổ chức Gates Melinda & Bill cùng nhiều tổ chức khác.