Dân Việt

Dự kiến công khai xét tuyển nguyện vọng: Thêm cơ hội cho thí sinh

01/03/2011 18:18 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 28.2, Bộ GDĐT lấy ý kiến về phương án "công khai xét tuyển nguyện vọng" để xem xét áp dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011.

Nếu phương án này được áp dụng, các thí sinh đạt điểm cao sẽ không còn phải ngậm ngùi trượt ĐH vì lựa chọn "nhầm" trường khi nộp hồ sơ xét tuyển.

Cho thí sinh tối đa quyền lựa chọn

img
Thí sinh đăng ký xét tuyển NV2 tại Trường ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2010.

Thông tin đăng ký xét tuyển về số lượng, hồ sơ, mức điểm… của thí sinh sẽ được cập nhật công khai trên trang web các trường ĐH-CĐ; các trường có thể chốt thời gian nhận hồ sơ sớm hoặc muộn hơn quy định tuỳ thuộc vào lượng hồ sơ nhận được theo chỉ tiêu; thí sinh có thể rút hồ sơ xét tuyển từ trường này để nộp vào trường khác trong thời gian xét tuyển nếu như thấy cơ hội trúng tuyển cao hơn… Đó là một số dự kiến đang được Bộ GDĐT xem xét thay đổi trong mùa tuyển sinh năm nay.

Theo ông Vũ Việt Bình - Phó ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội: "Hàng năm, báo chí đưa rất nhiều thông tin về những thí sinh đạt 23, 24, thậm chí 27 điểm vẫn trượt ĐH, trong khi nhiều em chỉ 15 điểm lại đỗ, vì sao vậy? Bởi vì, quy định xét tuyển nguyện vọng (NV) một lần ở một trường trong một thời điểm là hơi… cứng nhắc. Vì vậy, Bộ nên xem xét phương án bỏ yêu cầu các trường công bố lượng thí sinh đăng ký và trúng tuyển NV2, NV3 mà nên cập nhật liên tục để các em biết mà lựa chọn".

Còn bà Đỗ Thị Thanh Vân - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính quản trị kinh doanh Hà Nội lại cho rằng: “Tuy chỉ tiêu xét tuyển NV ít, nhưng lượng hồ sơ gửi vào trường top trên thường rất nhiều, nếu các trường này cứ giữ "khư khư" đến phút chót mới công bố số điểm trúng tuyển cao ngất ngưởng thì nhiều thí sinh sẽ mất cơ hội trúng tuyển các trường khác, còn các trường top dưới thì phải khổ sở "đợi" thí sinh".

Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Anh Đào - ĐH Đông Á phân tích: "Các trường xét tuyển NV thường không công bố điểm tối thiểu trúng tuyển ngay trong thời gian nhận hồ sơ, mà chỉ công bố xét tuyển từ cao xuống thấp. Vì vậy, thí sinh NV2, NV3 chẳng khác nào chơi trò may rủi, rất bất lợi". Bà Đào cũng đề xuất nên nghiên cứu cho thí sinh 2 giấy NV2 hoặc cho photo công chứng giấy xét tuyển NV3 để các em có thêm lựa chọn.

Có tăng thí sinh "ảo"?

Nhiều năm nay, Bộ GDĐT đã tìm mọi cách để hạn chế lượng thí sinh ảo, tránh thiệt hại về kinh tế cho trường và gia đình thí sinh. Chính vì vậy điều chỉnh công khai nhưng phải hợp lý để không hạn chế cơ hội của thí sinh nhưng cũng không làm khó các trường, Bộ sẽ sớm đưa ra phương án có lợi nhất.

Ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GDĐT

Có lợi cho thí sinh và một số trường tốp dưới nhưng nhiều trường lại tỏ ý ái ngại với "công cuộc" nhận - trả hồ sơ rất phức tạp cho thí sinh trong thời gian xét tuyển chỉ có hạn. Theo ông Nguyễn Tấn Vui - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên: "Nếu không có quy định hợp lý, các trường xét tuyển sẽ bị đẩy vào thế bị động với lượng hồ sơ xét tuyển "phập phồng" theo ý thí sinh. Mặt khác, thời gian xét tuyển không nhiều, các trường không thể vừa nhận, vừa trả hồ sơ cho thí sinh, như vậy sẽ rất phức tạp".

Đây cũng là một trong những lo ngại lớn nhất của Bộ GDĐT. Theo phân tích của ông Ngô Kim Khôi - Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH: "Công khai thông tin cho thí sinh lựa chọn thì rất tốt, nhưng Bộ đang nghiên cứu các phương án kỹ thuật để tránh tối đa việc tăng thí sinh ảo. Nếu như công khai thì phải đồng nghĩa với việc thí sinh đã được công khai thông tin không được phép rút hồ sơ để gửi trường khác, tránh trường hợp các trường bị rối loạn với việc nhận và trả hồ sơ cho thí sinh. Đồng nghĩa với điều đó, các trường có thể chốt hồ sơ trước thời hạn cuối và thông báo không nhận hồ sơ nữa để các em khác không cần gửi nữa. Nếu được như thế thì sẽ hợp lý hơn".