Bà Lotta Sylwander, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) cho hay, VN có 26,7 triệu vị thành niên và thanh niên từ 10 đến 24 tuổi, chiếm 1/3 dân số.
Theo bà Lotta Sylwande, vị thành niên và thanh niên VN đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm: Kinh tế không đảm bảo, HIV/AIDS, biến đổi khí hậu và suy thoái của môi trường, di cư và đô thị hoá nhanh. Ông Eamonn Murphy - đại diện Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho hay, do lớp trẻ thiếu kiến thức về HIV, tình dục đồng giới nên nguy cơ cao lây truyền HIV và các bệnh tình dục trong cộng đồng.
Trong khi đó, nhiều người ngại đến bác sĩ, không muốn trao đổi với bác sĩ các vấn đề riêng tư. Kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên VN lần thứ hai (SAVY II) cho thấy, 44,4% những người được phỏng vấn cho biết họ tự mua thuốc tự điều trị, 50,7% thường tới phòng khám tư nhân, 28,4% đi thầy lang bốc thuốc... Vì vậy, vấn đề giáo dục ngoài nhà trường rất quan trọng, trong đó cần tăng cường dạy kỹ năng sống, kỹ năng đàm phán. Về vấn đề giáo dục và dịch vụ cần đảm bảo tốt hơn cho thanh niên.
Ông Bruce Campbell - đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho hay, 1/3 thanh niên trẻ tuổi VN không có tiếp cận dịch vụ sức khoẻ sinh sản tình dục (SKSSTD). Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, rất quan trọng nên cần xem xét giáo dục, đặc biệt SKSSTD phải được thực hiện trước khi đến độ tuổi. Trong khi đó, ở VN rất kỳ thị đối với chuyện nạo thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên.
Để giải quyết các vấn đề "nhạy cảm" trên, hiện VN đã có những quán cà phê dành cho vị thành niên, thanh niên. Nhiều chương trình đối thoại để giải quyết vấn đề về tình dục, sức khỏe và HIV đang được nhân rộng… Các giải pháp giúp thanh niên có thể tự tin, thoải mái, tin tưởng hơn nữa đề cập vấn đề của mình.
Ông Florian Forster - đại diện tổ chức Di cư quốc tế khẳng định, cần hướng tới các tiềm năng của vị thành niên, thanh niên. VN giống các nước khác, giới trẻ là động lực phát triển lớn. Họ là những người thúc đẩy chính sách công nghiệp hóa của VN, từ 2010 - 2020, giúp quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa… Tuy nhiên, họ không có kinh nghiệm, không có kỹ năng thuyết phục, đàm phán khi nói về tiền công - lương và dễ trở thành đối tượng buôn bán người. Do vậy, để đảm bảo thanh niên VN có nhiều cơ hội, cần cung cấp thông tin, tăng cường kỹ năng tay nghề để họ có cuộc sống độc lập, năng suất cao, đóng góp vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
Hồng Hoa