Ấp Trung Cang - Thành Vọng (xã Tân Trung) đã được phê duyệt 500ha vùng quy hoạch để nuôi tôm công nghiệp, tạo cơ hội cho ND làm giàu từ tôm.
Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, 15 HTX, 171 tổ hợp tác nuôi tôm được thành lập, thu hút trên 2.300 hộ; 12 CLB “cánh đồng mẫu”, 59 mô hình liên kết về vốn, kỹ thuật của ND đã ra đời.
Góp sức giúp người nuôi tôm, 16 xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng Quỹ Hùn vốn, Quỹ Xoay vòng, Quỹ Tiết kiệm với tổng số tiền trên 2,83 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư trên 142 tỷ 629 triệu đồng. Với cách làm "cầm tay chỉ việc, nông dân dạy nông dân", các cấp Hội ND trong huyện đã mở 109 lớp tập huấn, 15 cuộc hội thảo, 227 mô hình nuôi được tổ chức chuyển giao.
Ở Đầm Dơi, những hộ nuôi tôm công nghiệp đã hợp tác với nhau khá chặt chẽ về kỹ thuật, bảo vệ môi trường, nguồn nước, an ninh trật tự, hợp tác về quy trình từ cải tạo ao đầm, thả giống, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị con tôm.
Ông Nguyễn Văn Út - Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học (ấp Tân Phú, xã Tân Trung) cho biết: Tổ có 54 hộ, các thành viên liên kết giúp nhau vốn, ngày công lao động để cải tạo 48ha đất trở thành đầm nuôi tôm công nghiệp (hộ thấp nhất có 1ha, nhiều nhất 3ha); doanh nghiệp liên kết cung ứng chế phẩm sinh học, hướng dẫn kỹ thuật, ứng vốn cho hộ nghèo, thu mua sản phẩm, nhiều hộ có lãi hàng chục triệu đồng sau mỗi vụ nuôi tôm.
Anh Nguyễn Hoàng Em-Chủ tịch Hội ND huyện cho biết: Hiện nay, nhiều vùng còn thiếu phương tiện cơ giới để cải tạo ao đầm, người nuôi tôm thiếu vốn. Nếu giải quyết được vấn đề này thì nuôi tôm công nghiệp ở Đầm Dơi sẽ có sự đột phá nhanh hơn.
Thái Quỳnh