Dân Việt

Thiếu tầm nhìn và tính khả thi

19/12/2010 20:41 GMT+7
(Dân Việt) - Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo nghị định nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra (sau đây gọi tắt là dự thảo), dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 12 này. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, dự thảo lần này còn thiếu tính khả thi.
img
Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL.

Mới chạm đến bề nổi

Ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng dự thảo mới chỉ chạm đến bề nổi, "râu ria" của ngành mà chưa có tính chiến lược, tầm nhìn cũng như giải quyết được "cái gốc".

Dự thảo nghị định đưa Hiệp hội Cá tra vào với vai trò rất lớn và nói rõ như là cơ quan thẩm quyền để quy định và công bố giá sàn mua nguyên liệu và bán sản phẩm, nhưng thực tế thì Hiệp hội này chưa có.

"Tiêu chí nuôi trồng trong 3 - 5 năm tới là bao nhiêu? Giá trị, biên độ xuất khẩu của con cá nằm ở chỗ nào? Tôi cho rằng, cần giảm chỉ tiêu sản lượng xuống để tập trung vào môi trường và chất lượng chứ vẫn theo tiêu chí mà Chính phủ đề ra là đạt sản lượng 3 triệu tấn cá tra trong năm 2020 là phá sản vì giá cá sẽ còn xuống thấp nữa" - ông Minh nhận định.

Cái "gốc" của ngành thủy sản mà 10 năm nay chưa thực hiện được là con giống. Chưa có sự quan tâm đầu tư và phát triển đúng mức cho con giống. "Chỉ cần có được con giống tốt sẽ góp phần đẩy giá nguyên liệu, giá xuất khẩu lên rất nhiều. Dự thảo Nghị định cũng cần có quy định quản lý và chế tài trong lĩnh vực này" - ông Nguyễn Văn Kịch - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Cafatex góp ý.

"Hiện nay ngân hàng cũng như dự thảo này không đề cập đầu tư cho nuôi trồng. Từ đó dẫn đến tình trạng 1 người nuôi, 2 người chế biến, thiếu nguyên liệu trầm trọng như hiện nay" - ông Minh nhận xét.

Bà Trương Lệ Khanh - Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn cho rằng, dự thảo nghị định phải tập trung nhiều hơn vào vấn đề môi trường, nuôi trồng sạch, để thế giới thấy rằng con cá tra của ta không những đạt yêu cầu về chất lượng, vệ sinh thực phẩm, mà còn đạt cả yêu cầu về bảo vệ môi trường. Dự thảo không hề có quy định này.

Thiếu tính khả thi

Tại điều 8, dự thảo quy định các nhà máy cần có hợp đồng cung cấp nguyên liệu ổn định tối thiểu 2 năm. Đây cũng là điều không thực tế và chưa phù hợp cho cả hàng xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa vì biến động thị trường tiêu thụ, như hiện nay không còn cá nguyên liệu để mua. Tương tự như vậy là quy định những trại nuôi lớn, có quy mô trên 100 tấn cá/năm phải chứng minh có hợp đồng bao tiêu cá với nhà máy.

Các DN cho rằng dự thảo soạn thảo mà không nắm được nhu cầu thực tế khi quy định ngân hàng chỉ cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ gia đình, trong khi để nuôi trồng được sản lượng khoảng 100 tấn cá tra/năm, một quy mô phổ biến như hiện nay phải cần tới 1,8 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, việc quy định cả hai giá sàn mua nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm là khó thực hiện. Chỉ cần tiếp cận quản lý giá sàn xuất khẩu, trong đó đã bao gồm cả giá sàn nguyên liệu bảo đảm lợi nhuận cho người nuôi. "Giá sàn này nên để cho cộng đồng DN quy định vì chúng tôi là người trực tiếp bị ảnh hưởng từ việc này. DN chúng tôi có lỗ thì nhà nước cũng đâu có can thiệp hay hỗ trợ gì. Nhà nước sẽ hỗ trợ quy chế" - bà Khanh đề nghị.