20 phút có 1 người chết vì lao
Ở nước ta, cứ 50 phút có một người chết vì tai nạn giao thông, mỗi tuần có 1 người chết vì ngộ độc thực phẩm; cộng cả 10 bệnh truyền nhiễm lại trung bình mới có 1 người chết/ngày, nhưng chỉ 20 phút đã có một người chết vì bệnh lao.
Chăm sóc bệnh nhân lao phổi tại Bệnh viện Phổi T.Ư. |
“Trong khi đó, các phương tiện truyền thông, các hoạt động của ngành y tế nhắc nhiều đến tai nạn giao thông, HIV, an toàn thực phẩm mà ít nói về bệnh lao. Như vậy, việc tuyên truyền và can thiệp về bệnh lao chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của nó”- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh
Theo báo cáo của Chương trình Phòng chống lao (PCL) quốc gia, ước tính Việt Nam đang có hơn 290.000 người mắc lao và mỗi năm có thêm hơn 180.000 ca mắc mới, gần 30.000 người chết vì lao. Tuy nhiên, chúng ta mới phát hiện và điều trị cho khoảng 54% số người mắc lao, 46% còn lại đang tiềm tàng mối lây nhiễm rất lớn ra cộng đồng.
Khác với nhiều bệnh lây nhiễm khác, tỷ lệ nhiễm lao tại các khu đô thị, đông dân cư, thu nhập trung bình cao, lại cao hơn nhiều so với khu vực miền núi, nông thôn. Vùng có tỷ lệ bệnh nhân lao cao nhất là 8 tỉnh Đông Nam Bộ (tỷ lệ mắc 157/100.000 dân), còn các khu vực miền núi như Tây Nguyên, Đông Bắc Bộ, tỷ lệ bệnh nhân lao chỉ dưới 50/100.000 dân.
Lý giải về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huy Dũng – Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban điều hành Dự án PCL quốc gia cho biết: “Ở những khu dân cư đông đúc, mật độ dân số lớn nên việc lây nhiễm lao cao. Ngoài ra, làn sóng di cư cũng luôn biến động khiến cho việc phát hiện bệnh lao vô cùng khó khăn...”.
Còn nhiều khó khăn
Bác sĩ Huy Dũng cũng cho biết: Việc PCL còn ngổn ngang các khó khăn khi tỷ lệ nhiễm lao trong dân lớn, quá trình điều trị kéo dài đến 8 tháng nên nhiều bệnh nhân bỏ thuốc dẫn đến tình trạng kháng thuốc ngày càng tăng. Hiện nay, mới chỉ có TP.Hồ Chí Minh đang thử áp dụng phác đồ điều trị lao mới trong 6 tháng. Việc xét nghiệm chẩn đoán nhanh bệnh lao cũng đã rút ngắn từ vài tháng xuống còn 2 giờ, tuy nhiên mới chỉ có Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có máy xét nghiệm này và cho dù chạy hết công suất cũng không đáp ứng được nhu cầu.
Bác sĩ Nguyễn Huy Dũng
PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng thừa nhận nhiều cái khó trong hoạt động này, như: Chưa triển khai thống nhất được mô hình chống lao tuyến huyện; thiếu nguồn nhân lực cho công tác chống lao trong trại giam; tỷ lệ lao, lao kháng thuốc, HIV trong trại giam cao...
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lo âu: “Cứ theo tốc độ giảm bệnh lao mắc mới “nhỏ giọt” mỗi năm chưa được 1% như hiện nay thì phải 40 năm nữa chúng ta mới giảm được 40% số bệnh nhân mắc lao. Trong khi đó, mục tiêu quốc gia là “tiến tới xóa bệnh lao vào năm 2030” – đó là việc không tưởng”.
Vì thế, Phó Thủ tướng yêu cầu cần nhanh chóng điều chỉnh lại chương trình, mục tiêu và phương pháp PCL để trình Chính phủ xem xét vào tháng 6 tới. Cần chủ động nguồn lực, xây dựng phương pháp tuyên truyền PCL tương xứng với mức độ nguy hiểm của bệnh lao và đầu tư mũi nhọn vào các khu vực có tỷ lệ bệnh nhân cao.
Diệu Linh