Dân Việt

Đường phố hóa bóng đá chuyên nghiệp

28/03/2012 20:33 GMT+7
Nếu câu nói của cầu thủ Quốc Long quát vào mặt trọng tài Quốc Hưng: "Mày biết tao là ai không?" là chuẩn xác thì đúng là bóng đá Việt Nam đã tiến một bước dài. Trong quá trình đường phố hóa bóng đá chuyên nghiệp.

Có người bạn, vốn có thời gian du học ở nước ngoài, hôm rồi ngồi uống cà phê, bỗng nhận xét: "Người Việt mình đi ngoài đường, trông ai cũng rất là đăm chiêu, căng thẳng".

Dường như đúng thế thật, cứ chịu khó để ý thì thấy rất rõ.99 năm trước, năm 1913, học giả Nguyễn Văn Vĩnh viết trên Đông Dương tạp chí: "An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang".

Còn chẳng biết ở đâu, người ta "sáng tác" ra câu... ca dao về tính xấu của người Việt:

Ăn nhanh, đi chậm, hay cười

Đái đường, hôn bụi, rung đùi, xỉa răng...

Thậm chí, thời xuất khẩu lao động nhiều, câu này còn bị chế thành "Ăn nhanh, đi chậm, hay cười. Chuyên mua đồ cũ là người...Việt Nam".

Thôi thì cái cười có hay dở bỗng chuyển biến thành những khuôn mặt đăm chiêu, căng thẳng đầy tính ...triết học thì cũng không có gì là khó hiểu. Khác xa cái thời "đèn đỏ đèn xanh với ánh nắng nhảy múa như ngàn hoa, niềm vui phấn khởi trong ánh mắt bao người qua" nơi ngã tư trong nhạc Phạm Tuyên.

img
Phản ứng rất đáng chê trách của Quốc Long

Thiếu gì những thứ phải lo. Người đi xe máy lo tắc đường. lo giá xăng, bây giờ thêm cái lo nữa là chiếc xe đang đi bỗng cháy bất thình lình.

Người đi ô tô một thời tự cho phép nghĩ là "oai", giờ méo mặt cũng vì giá xăng, cũng tắc đường. Chưa hết, ai sở hữu xe ô tô thì chuẩn bị...hết "oai" thành "oải" với các hàng loạt loại thuế và phí. Đại để, riêng loại phí lưu hành ô tô tùy theo dung tích xilanh sẽ phải đóng thấp nhất 20 triệu đồng và cao nhất 50 triệu đồng mỗi năm. Với môtô, xe máy tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng phải đóng 500.000 đồng cho xe có dung tích dưới 175 cm3.

Mới nhất, người ta còn đặt dấu hỏi về "thỏa thuận" giữa Bộ Giao thông Vận tải và Petro Vietnam. Nghĩa là chuyện đường và xăng sẽ còn nhiều chuyện để nói.

Với hàng loạt những điều như thế, ra đường bây giờ không vừa đi vừa "khóc" đã là may, hơi sức đâu mà cười.Xem ra, nó cũng giải thích cho việc hễ có va chạm dù nhẹ là tranh cãi, chửi nhau. Phức tạp hơn thì chạy về nhà vác dao, súng "hoa cải" ra nói chuyện phải quấy, phân định đúng sai.

Nó cũng giải thích cho việc không ít cảnh sát giao thông bị lăng mạ, xúc phạm, bị "ủn" hàng chục mét trong quá trình làm nhiệm vụ.

Nếu bóng đá phần nào phản ánh gương mặt xã hội thì chuyện đi đường và chuyện ở V.League có rất nhiều điểm tương đồng.Trọng tài, với quyền lực của mình, phạt thẻ cứ như là để "khoan sức" CLB. Cầu thủ dễ nổi nóng, biết là sai nhưng cứ thích bật lại trọng tài.

Cuộc chơi này xem ra ai cũng phải chịu áp lực. Chính những người trong cuộc gây áp lực cho nhau.Ngoài đường, khi bị "tuýt còi", người vi phạm rất hay có chiêu rút điện thoại "gọi điện cho người thân". Không ít người chơi bài là "con cháu chú X, bác Y".

Nếu câu nói của cầu thủ Quốc Long bị nhận thẻ, quát vào mặt trọng tài Quốc Hưng: "Mày biết tao là ai không?" là chuẩn xác thì đúng là bóng đá Việt Nam đã tiến một bước dài.

Trong quá trình đường phố hóa bóng đá chuyên nghiệp.

Theo Thể thao 24h