Dân Việt

VĐV đột tử: Khoảng trống y học thể thao

29/03/2012 13:09 GMT+7
(Dân Việt) - Sau những vụ đột quỵ liên tiếp của làng thể thao quốc tế và cái chết của VĐV bóng rổ Diệp Phước Lộc ở Sóc Trăng hôm 25.3, nhiều người thêm lo ngại về công tác y học của thể thao Việt Nam.

Thiếu bác sĩ thể thao

Trước Phước Lộc, thể thao Việt Nam đã chứng kiến một số VĐV tử vong: Trần Thanh Ngời (judo), Đỗ Xuân Tâm (xe đạp), Trần Nam Trung (bóng đá, Quân khu 4)... Thực tế, cùng với sự phát triển của thể thao, các VĐV thường phải tập luyện, thi đấu với cường độ cao, đôi khi quá sức. Và đáng ra, chế độ dinh dưỡng, thuốc men, chữa trị chấn thương… cho họ cần được quan tâm sâu sắc. Lạ là đối với thể thao Việt Nam, y học thể thao thường chỉ được đề cập tới mỗi khi sự cố xảy ra.

img
VĐV điền kinh Nguyễn Thị Phương gục ngã trước vạch đích tại SEA Games 2011 vì kiệt sức.

Trao đổi với Dân Việt chiều 28.3, tuyển thủ U23 quốc gia Đinh Thanh Trung chia sẻ: “Mỗi năm chúng tôi chỉ được CLB cho kiểm tra sức khỏe một lần tại Viện Khoa học TDTT để hoàn tất thủ tục đăng ký. Khi mùa giải đang diễn ra, công tác y học rất sơ sài”.

Còn ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đá SLNA bày tỏ: “Trên bình diện cả nước, ở tất cả các bộ môn, công tác y học thể thao vẫn chưa được coi trọng. Lượng vận động của cầu thủ VN hiện còn thua xa thế giới nên mới chưa có nhiều sự cố đáng tiếc. Cần quan tâm đặc biệt tới vấn đề tim mạch, cầu thủ nào có biểu hiện bệnh lý thì phải nghỉ để điều trị ngay”.

Theo ông Thanh, kinh phí để lo cho vấn đề y học thể thao chỉ là một chuyện. Điều quan trọng là bác sĩ thể thao ở VN quá hiếm.

Cần quan tâm tới sinh hoạt của VĐV

VĐV bóng đá - môn thể thao vua còn như vậy, thì có thể hiểu công tác y học thể thao đối với VĐV ở các môn thể thao khác còn qua loa tới mức nào. Sau vụ VĐV Phước Lộc đột tử, ông Đỗ Đức Kiên - Trưởng bộ môn Bóng rổ, Tổng cục TDTT cho biết: “Từ trước đến nay, chưa có trường hợp đáng tiếc nào tương tự xảy ra ở môn bóng rổ.

img
VĐV bóng rổ Diệp Phước Lộc đã đột tử hôm 25.3.

Theo báo cáo của HLV đội Sóc Trăng và BTC địa phương, công tác y tế được đảm bảo đúng quy trình. 11 năm luyện tập cùng đội, Lộc không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe”. Ông Kiên khẳng định ở các giải quốc gia, luôn có tiểu ban y tế với ít nhất 2 bác sĩ thường xuyên túc trực. VĐV dự giải phải có giấy chứng nhận sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền.

HLV Lê Công (karatedo) bày tỏ: “Ngoài việc kiểm tra định kỳ hàng năm, VĐV của tôi còn được kiểm tra sức khỏe trước mỗi đợt tập trung, trước khi đi thi đấu, đặc biệt là SEA Games. Chỉ cần đo huyết áp, nghe nhịp tim là có thể biết có bệnh hay không”.

Trong khi đó, ông Lâm Quang Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết: “VĐV khi lên tập trung đội tuyển được kiểm tra rất chặt chẽ, và sẽ phát hiện được bệnh ngay. Nhưng ở địa phương, vấn đề này chưa được quan tâm. Điều này là khó khăn chung của thể thao VN. Bác sĩ thể thao ít, kiến thức của VĐV kém dẫn tới việc dùng thuốc không đúng, sinh hoạt không điều đó, uống nhiều rượu, bia… ảnh hưởng lớn tới tim mạch.

Chúng tôi đang làm Dự thảo Các quy định giám định sức khỏe đối với VĐV thể thao. Sau khi Viện Khoa học TDTT làm xong, Tổng cục xin ý kiến các cơ quan có liên quan trước khi ban hành. Trước mắt, các địa phương cần quan tâm sâu sát hơn tới VĐV, không chỉ kiểm tra sức khỏe mà còn phải theo dõi cả cuộc sống hậu trường của họ”.