Hồ sơ do Sở KHCN tỉnh Ninh Thuận đề nghị. Đây là một loại chứng từ, xác nhận các thùng/lô hàng (mang theo chứng nhận này) với giống cây quý được người lao động nhiều kinh nghiệm, trồng ở vùng thuần nhất… Giấy chứng nhận xuất xứ luôn đi kèm với công bố chất lượng đã đăng ký và không thay thế nhãn hiệu hay chứng nhận nào khác.
Chất lượng, chủng loại nho Ninh Thuận đã được cải thiện. |
Theo hồ sơ đăng ký và đã được cấp chứng nhận, khu vực được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận gồm thị trấn Phước Dân, các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hữu (huyện Ninh Phước) và xã Phước Nam (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). Toàn bộ nhà vườn trồng nho tại các địa phương nêu trên được dùng chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận” trong quá trình giao dịch sản phẩm nho trong và ngoài nước.
Như vậy tính đến nay đã có 27 chỉ dẫn địa lý các mặt hàng nông sản tại Việt Nam được chứng nhận. Trong đó có một số mặt hàng nông sản nổi tiếng như chè Tân Cương, bưởi Đoan Hùng, bưởi Phúc Trạch, vải thiều Thanh Hà, vải thiều Lục Ngạn, chuối ngự Đại Hoàng, thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Vĩnh Kim, khóm Cầu Đúc, mãng cầu Bà Đen…
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, nhằm mục đích cung cấp rộng rãi thông tin và đẩy mạnh phát triển chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, Cục đã thiết lập “Bản đồ phân bố sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam”.
Mỗi chỉ dẫn địa lý được “ký số” và đính tại vị trí trên bản đồ. Nhấp chuột vào ký số người dùng sẽ có các thông tin: Tên chỉ dẫn địa lý; tên sản phẩm; số đăng bạ; khu vực địa lý; tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; hiệp hội/hội sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; tổ chức kiểm soát chất lượng; tổ chức/cá nhân được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý và hình ảnh của sản phẩm.
Trong giai đoạn chạy thử, “Bản đồ phân bố sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam” hiện chỉ có tiếng Việt; sau khi có bản tiếng Anh, nó sẽ góp phần giới thiệu mạnh mẽ hơn sản phẩm quý của các vùng quê Việt Nam đến nhà nhập khẩu cũng như du khách đến Việt Nam.
Tú Nguyên