Dân Việt

Ninh Bình trên đường trở thành tỉnh công nghiệp

30/03/2012 07:01 GMT+7
(Dân Việt) - Sau 20 năm tái lập tỉnh, kinh tế của Ninh Bình liên tục tăng trưởng khá, đặc biệt thời kỳ 2006-2011 đã tăng 15,7%, là thời kỳ tăng trưởng cao nhất trong 20 năm qua.

Tính đến năm 2011, giá trị GDP gấp 8,9 lần so với năm 1992, thu ngân sách năm 2011 đạt 3.392 tỷ đồng, gấp 84,8 lần năm 1992. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 24,91 triệu đồng, tăng 24,07 triệu đồng so với năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 9,86%.

Từ một tỉnh thuần nông đến nay nền kinh tế của tỉnh bước đầu hình thành và phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Năm 2011, tỷ trọng công nghiệp- xây dựng chiếm 49%, dịch vụ chiếm 36%, nông-lâm-thuỷ sản chỉ còn 15%.

Nhiều dự án lớn được đưa vào sản xuất ổn định như: Dự án nhà máy xi măng, nhà máy ô tô Thành Công; nhà máy cán thép Pomihoa; nhà máy sản xuất giày Andora… Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 đạt gần 13.000 tỷ đồng, gấp 42 lần năm 1992. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, năm 2011 kim ngạch xuất khẩu đạt gần 264 triệu USD.

Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các ngành dịch vụ đã đạt nhiều thành tựu, trong đó du lịch đã và vẫn đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Cơ cấu hạ tầng du lịch được tăng cường tạo ra bước phát triển có tính đột phá với nhiều khu du lịch nổi tiếng: Khu hang động Tràng An, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Tam Cốc- Bích Động, Khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long, Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, Trung tâm thể thao sân golf hồ Yên Thắng…

Năm 2011, Ninh Bình đã thu hút 3,6 triệu lượt khách, gấp 562,4 lần năm 1992. Bên cạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, sản xuất nông lâm thuỷ sản vẫn được chú trọng phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hoá. Năm 2011, giá trị sản xuất triên 1ha canh tác đạt 86 triệu đồng; năng suất lúa đạt 60,4 tạ/ha; sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 51,4 vạn tấn. Giá trị sản xuất toàn ngành đạt 1.867 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với năm 1992.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Bùi Văn Nam: Nguồn thu ngân sách từ du lịch sẽ tăng nhanh

Theo ông Bùi Văn Nam- Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình: “Để đạt được mục tiêu như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định là phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ thu ngân sách đạt khoảng 4.200 đến 4.500 tỷ đồng thì thực sự ngay từ bây giờ chúng tôi phải hết sức quyết tâm, kể cả trong nông nghiệp, trong công nghiệp và trong dịch vụ.

Điều quyết định đối với tăng trưởng và thu ngân sách hiện nay chính là phải tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp mới. Sắp tới đây Ninh Bình sẽ có những sản phẩm như phân đạm, lắp ráp ô tô, kính, thép… thì chắc chắn đây là những yếu tố sẽ góp phần vào tăng thu ngân sách trên địa bàn”.

Ông Bùi Văn Nam cho biết thêm: “Trong những năm tới, nguồn thu ngân sách quan trọng của tỉnh Ninh Bình sẽ dựa trên lĩnh vực du lịch và dịch vụ với sự tăng trưởng khá nhanh về số lượng khách du lịch. Tới đây, khi Khu di tích Tràng An và Tam Cốc – Bích Động được công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới; khi chúng tôi xây dựng và hoàn thiện được khu Công viên văn hóa động vật hoang dã thì thu ngân sách trên địa bàn từ du lịch, dịch vụ sẽ tăng nhanh và bền vững.”