“Chân lấm tay bùn” cùng ND
Là người dân tộc Dao, hiểu tâm lý của bà con trong xã nên việc anh Trình nói và hướng dẫn kiến thức cho nông dân trong xã không gặp nhiều khó khăn. Cứ có chủ trương chính sách mới của Nhà nước là anh lại tìm hiểu thật kỹ rồi đem về truyền đạt tới từng hộ gia đình trong xã.
Nhờ thông thạo tiếng dân tộc, anh Trình đến từng nhà hướng dẫn, thuyết phục đồng bào áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. |
Năm 2002, anh được bầu làm Chủ tịch Hội DN xã Kiên Thành. Người dân trong xã phần lớn là người dân tộc thiểu số không hiểu tiếng Kinh. Kinh tế của nhiều hộ còn khó khăn, do không được tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Với vai trò Chủ tịch Hội, anh Mai Công Trình đã luôn trăn trở để tìm ra hướng đi mới, nhằm từng bước xây dựng cơ sở hội vững mạnh, giúp bà con quê mình vươn lên làm giàu.
Nhờ thông thạo tiếng Dao, Mông, Tày, Thái… anh Trình đến từng nhà hướng dẫn, thuyết phục đồng bào áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi. Thuyết phục một lần không được, anh thuyết phục, hướng dẫn đến lần thứ 2- 3... tới khi nào dân hiểu và nghe theo mới thôi.
"Nhiều lúc mình thấy mệt lắm, đường núi đi lại khó khăn, nhà này cách nhà kia mấy chục cây số, đi bộ cũng mất cả ngày đường mới tới nơi, nhưng cứ nhìn thấy bà con quê mình thoát được cái nghèo là mình lại có thêm nghị lực để làm việc" - anh Trình vui vẻ nói.
Nghe và làm theo lời anh, cuộc sống của bà con ngày càng khấm khá nhờ nuôi bò, dê, lợn, gà, trồng sắn, chuối, trồng rừng, làm kinh tế… Anh Trình kể: "Có lần mình hướng dẫn một hộ cách nuôi lợn, 2 tháng sau cả đàn lợn lăn đùng ra chết. Họ dẫn cả vợ chồng con cái đến ủy ban xã bắt đền mình. Mình phải bỏ hết cả công việc, dành nửa ngày trời xuống giải thích và chỉ cho họ hiểu nguyên nhân vì đâu, họ mới thôi không bắt đền nữa".
Sau chuyện đó, anh Trình rút ra bài học là đối với bà con dân tộc, phải hướng dẫn thật kỹ lưỡng, bám sát và theo dõi từng bước làm của họ, cho tới khi nhìn thấy kết quả mới thôi.
Năng nổ công tác hội
Khi mới lên làm Chủ tịch Hội ND xã Kiên Thành, việc đầu tiên anh Trình làm là tổ chức họp các chi hội, tiến hành củng cố ban chấp hành. Chi hội nào yếu, chi hội nào cán bộ còn lơ là với công tác hội, anh trực tiếp gặp bí thư chi bộ để kiện toàn lại, nhằm nâng cao chất lượng chi hội. Nhờ đó mà các chi hội ND trong xã hoạt động hiệu quả hơn, giúp ích cho bà con nhiều hơn.
Hằng tháng, hàng quý, anh Trình đều tổ chức sinh hoạt hội nhằm đánh giá lại hoạt động và đưa ra phương hướng hoạt động cho các tháng, quý sau; chuyển tải những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước; thông qua Bản tin nông dân, các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi sinh hoạt chi hội để giới thiệu những mô hình hay để hội viên ND học tập và làm theo... Từ các buổi sinh hoạt đầy bổ ích như vậy, Hội đã vận động được đông đảo hội viên đến với tổ chức của mình và tích cực tham gia các hoạt động hội.
Trong năm 2011, Hội ND xã Kiên Thành đã tổ chức lớp đào tạo nghề ngắn hạn về cách trồng và chăm sóc cây măng Bát Độ, tổ chức cho cán bộ hội đi tham quan học tập các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hay ở các tỉnh phía Bắc để đưa về áp dụng tại địa phương.
Theo anh Trình, người làm công tác hội không thể cứng nhắc, mà phải có phương pháp để nông dân nghe và tin theo. Muốn có phương pháp hay cần thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với bà con để biết họ cần cái gì rồi từ đó có cách tuyên truyền, hỗ trợ.
Trang Lê