Với đa phần người lao động có thu nhập trung bình thấp, xe máy chính là phương tiện đi lại và kiếm sống không thể thay thế. Việc phải gánh thêm phí bảo trì đường bộ (BTĐB), có thể sắp tới sẽ có thêm phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí lưu thông trong giờ cao điểm, dường như là quá sức.
Lựa chọn số 1 của người dân vẫn là xe máy
Cư dân khu tập thể Thiết bị Điện ảnh, ngõ 328 đường Nguyễn Trãi, Hà Nội phần lớn đều là người làm thuê, công nhân, thợ may… thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/tháng/hộ. Tất cả đều phải sinh hoạt, kiếm sống bằng xe máy.
Kinh tế gia đình anh Hoàng Minh Cường (quê Vân Canh, Hoài Đức) dựa chủ yếu vào những cuốc xe ôm. Ruộng mất, vợ anh làm thuê nay đây mai đó; còn anh, thu nhập bấp bênh, có ngày “đen đủi” chẳng thêm được đồng nào. Mỗi tháng thu nhập của hai vợ chồng chưa đến 5 triệu, trừ chi phí 1,5 triệu đồng thuê nhà, 1 triệu đóng học phí của con và tiền điện nước mỗi tháng, sinh hoạt phí của gia đình anh… chưa đến 2 triệu đồng.
Từ khi có thông tin sẽ thu phí, vợ chồng anh vò đầu tính toán mà vẫn chưa tìm ra cách nào: “Mới tính riêng ba loại phí, mỗi tháng, một chủ xe máy phải đóng góp ngót nghét 1 triệu, bằng 1/5 thu nhập của cả nhà. Công chức, những người có thu nhập khá còn kham được, chứ nông dân và người lao động ngoại tỉnh biết kiếm đâu ra?”. Đây cũng là mối lo chung của rất nhiều người dân có thu nhập trung bình hiện nay.
Tiếp nhận thông tin “phí chồng phí”, nhiều cán bộ công chức Nhà nước, thậm chí dân buôn bán đều nín thở chờ đợi. Theo một số tiểu thương ở chợ Đồng Xuân, mỗi ngày họ lưu thông trên đường bình quân 50km, phương tiện chính là xe máy: Sáng sớm chở hàng đến chợ, trong ngày liên tục phải đi lấy hàng ở các mối quen; chiều lại từng ấy công việc lặp lại, thậm chí có những việc không tên phát sinh bất ngờ.
Người tranh thủ đón con, đi chợ, người rẽ vào siêu thị, vào bệnh viện thăm người ốm… Ngoài phương tiện xe máy, chẳng có phương tiện nào giúp phụ nữ chủ động và xử lý các đầu việc nhanh chóng như thế. Chị Hoàng Anh (kinh doanh đồ khô trong chợ Đồng Xuân), tất cả mọi việc lớn nhỏ từ chuyện gia đình (lấy hàng, đi chợ, đón con…) đều dùng đến xe máy. Điều chị băn khoăn, thu nhập khoảng 5-7 triệu/tháng của hai vợ chồng nếu biết lấy khoản này bù khoản khác vẫn có thể “gánh” được phí.
Làm sao để đảm bảo công bằng
Ông Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định, bất hợp lý, khi thực hiện thu phí lưu hành phương tiện cá nhân là: xe chạy nhiều và chạy ít vẫn phải trả phí như nhau; xe phá đường nhiều vẫn đóng như xe phá đường ít. “Làm sao để đảm bảo công bằng là điều tôi băn khoăn nhất. Đối với người nghèo, với người dùng phương tiện không phải để đi lại, mà là phương tiện sản xuất, thu nhập thấp, hộ nghèo, đồng bào miền núi… nên trợ cấp cho họ”.
TS.Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc NXB Giao thông vận tải cũng cho rằng, với điều kiện giao thông của HN hiện nay, đồng ý là phải nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu ùn tắc giao thông nhưng phải tính đến điều kiện đặc thù, sức chịu đựng của người dân chứ không thể lấy giải pháp thu phí tình thế để giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược, dài hạn của giao thông đô thị.
Điều này đòi hỏi các nhà quản lý phải có cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn; quy hoạch hạ tầng phải đi trước thay vì cách làm hiện nay. “Thu phí lưu hành đối với phương tiện cá nhân, đặc biệt là với xe máy là rất vô lý. Việc thu phí lưu hành là đánh vào gánh nặng đời sống người dân, đặc biệt là dân nghèo, chưa nhân văn và thiếu công bằng, trước đó cũng với mục tiêu chống ùn tắc, chúng ta tăng thu phí trước bạ và lên bao lần rồi, giờ lại thu thêm phí lưu hành là làm khó dân. Hạn chế phương tiện cá nhân có nhiều cách, không nhất thiết phải dồn gánh nặng chịu phí lên vai người dân”.