Dân Việt

Cần “khoán 10” với đất rừng

16/05/2012 09:56 GMT+7
(Dân Việt) - Tình trạng sử dụng đất tại các lâm trường quốc doanh kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên. Trong khi đó, dân sống dưới tán rừng không có đất sản xuất, nghèo khó...

Những vấn đề trên đã được phản ánh tại Hội thảo về “Quản lý sử dụng đất rừng giữa lâm trường quốc doanh và người dân địa phương diễn ra tại Hà Nội ngày 15.5, do Viện Tư vấn phát triển (Code) chủ trì tổ chức.

img
Hàng triệu nông dân đang thiếu đất rừng để sản xuất.

Lâm trường “om” hết đất của dân

Quế Sơn là một xã miền núi xa xôi của huyện Quế Phong (Nghệ An) có tới 90% diện tích đất rừng, nhưng hầu hết đất rừng lại giao cho các lâm trường (LT), bởi thế nên xã vẫn còn tới 40% số hộ nghèo.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Quế Sơn, huyện Quế Phong nói: “Dù là xã 135, có nhiều đất rừng thật đấy, nhưng hầu hết được giao cho LT Quế Phong. Còn dân thì không có đất, nghèo vẫn hoàn nghèo. Dân khiếu nại lên xã, lên huyện; xã, huyện báo cáo lên tỉnh và T.Ư. Nhiều đoàn của Bộ NNPTNT và tỉnh Nghệ An đã về Quế Sơn, nhưng đến giờ vẫn chưa giải quyết xong”.

Ông Dũng còn “tố”: Mới đây, LT Quế Phong còn phát cây, trồng keo sát vào… cầu thang nhà sàn của dân, dù cánh rừng còn bỏ trống. “Cả LT mênh mông (khoảng 5.000ha - PV), nhưng chỉ có một giám đốc, một kế toán và 2 cán bộ kỹ thuật quản lý. Còn dân chúng tôi hàng nghìn người, sao không có đất rừng để thoát nghèo?” - ông Dũng bức xúc.

Nhiều khảo sát, ý kiến từ các khu vực khác như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Bình, Huế… cũng phản ánh tình trạng tương tự. Tại xã Tam Đình, huyện Tương Dương (Nghệ An), người dân muốn trồng rừng vào vùng đất trống đồi trọc của LT nhưng không được phép. Còn tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), LT chỉ giao cho dân vùng đất hiểm trở, kẹt trong núi đá, xa khu dân cư. Đó cũng là lý do khiến cho tình trạng tranh chấp, xô xát giữa người dân và LT thường xuyên xảy ra. Thậm chí, gần đây còn có tình trạng LT giao khoán đất cho dân theo kiểu phát canh, thu tô.

Không thể ưu ái mãi

Theo thống kê, hiện nước ta đang có 2,5 triệu người làm nghề rừng, nhưng hầu hết lại chưa thể sống được bằng nghề rừng. Trước thực trạng đó, năm 2003, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 28/NQ-TW về tiếp tục sắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh với mục tiêu cắt một số bộ phận đất của LT giao cho địa phương, rồi giao lại cho người dân. Năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định 200/NĐ-CP để triển khai chủ trương trên. Tuy nhiên, việc triển khai còn hết sức chậm chạp.

Theo báo cáo tổng hợp của Code, tổng diện tích đất LT quản lý trên cả nước vào năm 2004 là gần 4 triệu ha; sau đó tiến hành rà soát, LT phải trả lại cho địa phương là 1,1 triệu ha. Song đến nay, diện tích đã trả lại cho địa phương mới đạt 702.000ha, mà cũng chỉ trả… trên giấy, nên phần lớn người dân vẫn chưa được nhận đất. Ngược lại, ở nhiều nơi, người dân trồng cây trên đất LT, LT không đòi lại được.

Mỗi hộ dân có nhu cầu 3-5ha rừng

Theo khảo sát của Code, nhiều khu vực các hộ dân không có rừng. Nếu có, diện tích rừng trung bình chỉ khoảng 0,1- 0,5ha/hộ. Trong khi đó, trung bình mỗi hộ phải có từ 3-5ha mới có thể sống được bằng nghề rừng.

Ông Phạm Quang Tú - Phó Viện trưởng Code kiến nghị: “Chính phủ cần sớm có các chính sách, biện pháp quyết liệt để giải quyết vấn đề này. Trước mắt, cần khảo sát và chỉ rõ chủ rừng hiện tại, tiến tới đẩy mạnh việc giao đất cho dân địa phương”.

Ông Tú cho rằng: “Thực tế, người dân có năng lực trồng rừng, nhưng lại không được giao rừng. Rừng giao cho những LT không có năng lực, LT lại giao đất, phát canh thu tô của dân”. Cũng theo ông Tú, thực tế, hiện LT đã được chuyển đổi thành các doanh nghiệp, công ty, không còn “mác” Nhà nước, vậy vì sao LT vẫn được ưu ái hơn hàng triệu người dân. “Chúng ta cần mạnh dạn có cuộc cách mạng với đất rừng như khoán 10 với đất ruộng” - ông Tú nói.

Còn ông Tôn Gia Huyên -nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TNMT cho rằng: “Nhà nước cần ưu tiên đất rừng đẹp, rộng và giao lâu dài cho người dân địa phương chứ không nên ưu tiên cho LT như hiện nay”.