Trước đây, gia đình anh Trưởng canh tác 9.000m2 ruộng sản xuất 3 vụ lúa/năm, năng suất bấp bênh. Năm 2003, sau khi có hệ thống đê bao khép kín, anh chủ động lên mô trồng 195 gốc sầu riêng hạt lép giống Ri 6, dưới ruộng cấy lúa theo phương thức lấy ngắn nuôi dài, đồng thời tận dụng rơm, rạ ủ hoai bón gốc, giúp cây phát triển.
Sau 5 năm cây cho trái, anh lên mương để tiện việc chăm sóc. Hàng năm, vào khoảng tháng 5 âm lịch, sầu riêng cho thu hoạch sản lượng cao nhưng do đây là mùa thuận nên hàng dội chợ, thương lái ép giá. Thông qua tập huấn khuyến nông, anh chủ động xử lý cho cây ra hoa trái vụ bằng cách sau mỗi vụ thu hoạch, tỉa những cành, chồi thừa, chú trọng bón phân chuồng, phân hữu cơ, phân sinh học,... Đồng thời, anh phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, dưỡng lá, giúp cây phục hồi và ra đọt non đồng loạt.
Vào khoảng tháng 7 âm lịch, khi cây ra đủ 3 cơi đọt, lá chuyển sang lụa, anh Trưởng đào hộc xung quanh gốc sầu riêng khống chế bộ rễ, dùng màng nylon phủ kín gốc, điều tiết nước cạn trong mương kết hợp phun thuốc kích thích giúp cây ra hoa. Khoảng 1 tháng hoa ra nhị, anh dùng chổi thụ phấn nhân tạo, phun thuốc định kỳ, bón phân nuôi trái, tỉa bớt trái xấu, để cây mang trái vừa đủ, hạn chế cây suy yếu.
Hơn 4 tháng sau cây cho thu hoạch (khoảng tháng 11 âm lịch), thời điểm này sầu riêng hiếm, thương lái đến tận vườn mua giá đến 30.000 - 35.000 đồng/kg. Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật từ khâu chăm sóc, chọn giống, bón phân, tỉa cành hợp lý, vụ sầu riêng nghịch nào anh cũng trúng mùa, trúng giá, sản lượng đạt 17 tấn/năm. Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, anh còn khuyến khích nông dân mạnh dạn cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây có múi giá trị kinh tế cao, sinh hoạt câu lạc bộ khuyến nông ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả vườn chuyên canh nâng cao mức sống gia đình.
Thảo Quyên