Đi lên từ... luồng
Năm 2011, khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), dựa trên các thế mạnh của từng xã, huyện Bá Thước đã chọn 4 xã gồm Tân Lập, Điền Lư, Điền Trung và Lương Trung làm điểm trong giai đoạn 2012 - 2015, trong đó chọn “đòn bẩy” là phát triển tiểu thủ công nghiệp và nông - lâm nghiệp.
Những con đường đất “nắng bụi, mưa lầy” ở Tân Lập đang được thay bằng những con đường nhựa, bê tông. |
Khoảng chục năm gần đây, Bá Thước được mệnh danh là thủ phủ của luồng. Loài cây này phủ xanh khắp tất cả 23 xã, thị trấn, nhiều hộ có đến hàng chục ha. Trước đây luồng được vận chuyển về xuôi làm cọc chống, giàn giáo là chủ yếu, một phần dùng làm nhà, đan lát, nên giá trị mang lại chưa cao. Để mở đầu ra cho cây luồng, huyện đã kêu gọi các doanh nghiệp chế biến gỗ, luồng làm đũa, chiếu và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ mộc về đóng trên địa bàn. Nhờ chính sách thông thoáng và ưu đãi, đến nay Bá Thước đã có gần chục cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản, mỗi ngày tiêu thụ hàng nghìn m3 gỗ, luồng và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Anh Bùi Văn Minh (xã Tân Lập) - một trong những người được nhận vào làm tại Nhà máy Đũa Đồng Tâm vui vẻ cho biết: “Những năm trước, khi làm xong mùa, hai vợ chồng lại phải xuống TP. Thanh Hóa hoặc ra Hà Nội làm thuê, giờ cứ xong mùa vợ chồng lại xin vào các công ty gỗ, đũa làm việc, gần nhà nên cũng đỡ chi phí đi lại. Trừ hết chi phí mỗi tháng 2 vợ chồng cũng dành được hơn 4 triệu đồng”.
Dạy nghề, lập HTX...
Đến xã điểm Tân Lập, sự thay đổi dễ nhận thấy nhất là con đường nhựa, nhà cửa được chỉnh trang, trường học được tu sửa khang trang hơn, nhưng UBND xã thì vẫn đang giữ cơ sở cũ. Ông Đinh Xuân Phít - Phó Chủ tịch lo lắng: “Hiện xã mới đạt 8/19 tiêu chí xây dựng NTM, nhưng chủ yếu là tiêu chí dễ, những tiêu chí còn lại đa số là việc ngốn nhiều tiền”.
Theo ông Phít, hiện xã chủ yếu chỉ vận động người dân hiến đất, ngày công để san mặt đường, quét dọn vệ sinh, chỉnh trang nhà cửa là chính, còn việc huy động đóng góp tiền mặt rất khó. “Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, họ có thể bỏ ra cả chục ngày công làm đường, nhưng bảo đóng góp vài trăm ngàn đồng thì rất khó.” - ông Phít bày tỏ.
Theo ông Vũ Đình Hảo - Trưởng phòng NNPTNT huyện Bá Thước, một trong những khó khăn của huyện là giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, bởi hiện lao động trong nông nghiệp của huyện vẫn chiếm hơn 60%. “Ngoài đưa lao động vào các nhà máy, chúng tôi đang từng bước dạy nghề, hình thành các HTX chế biến luồng, mây tre đan... để tạo việc làm cho người dân, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi trâu bò, vịt Cổ Lũng...” - ông Hảo cho biết thêm. Bên cạnh đó, việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn cũng là một tiêu chí khó, vì địa hình ở đây dốc, mạng lưới đường dài, dân cư lại thưa thớt...
Việt Tùng