Dân Việt

Góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992: Quyền sử dụng đất là quyền tài sản

14/03/2013 08:35 GMT+7
(Dân Việt) - Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 Phan Trung Lý đã khẳng định: “Việc giữ lại Điều 4 của Hiến pháp là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân”.

Tại Hội nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý sửa đổi Hiến pháp đã được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 13 và 14.3, ông Phan Trung Lý đã cho biết, về cơ bản, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được gửi đến đều tán thành với nội dung Chương 1 về Chế độ chính trị.

 img
Điểm mới trong sửa đổi Hiến pháp lần này là hiến định quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ.

Có ý kiến đề nghị Điều 4 cần làm rõ quy định Đảng, các tổ chức của Đảng và các đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, hoặc ban hành luật quy định về hoạt động của Đảng. Ý kiến khác đề nghị bỏ nội dung điều này để tạo lập sự bình đẳng và cạnh tranh giữa các chính đảng.

Tuy nhiên, theo ông Lý, Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhận thấy “Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp kế thừa và giữ những nội dung quy định tại Điều 4 Hiến pháp hiện hành, việc Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4 cũng như bổ sung một số nội dung mới về việc “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng, được khẳng định trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta”. Hơn nữa, quy định này “là phù hợp với yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình mới” - ông Lý giải thích.

Về chế độ sở hữu đất đai, có ý kiến đề nghị nên quy định chế độ sở hữu tư nhân hoặc đa sở hữu về đất đai. Ban Biên tập Dự thảo cho rằng, quan điểm thống nhất, xuyên suốt từ Hiến pháp 1980 đến nay là “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Quy định này nhằm bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với đất đai, nguồn tư liệu sản xuất quan trọng và lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia; đồng thời hoàn toàn phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai của Việt Nam.

Có điểm mới cơ bản trong lần sửa đổi Hiến pháp này là việc hiến định nguyên tắc “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”. “Điều này vừa thể hiện thái độ tôn trọng, bảo vệ của Nhà nước Việt Nam XHCN đối với quyền cơ bản của công dân, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục phòng, chống và xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong thực hiện pháp luật về đất đai” - ông Phan Trung Lý khẳng định.

Lịch sử cũng đã chứng minh, lực lượng vũ trang luôn trung thành với Đảng và cũng chỉ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì lực lượng này mới thực hiện tốt nhiệm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, chế độ. Vì vậy, quy định của Hiến pháp về nội dung này là phù hợp.

Về vấn đề bảo vệ Tổ quốc, ông Phan Trung Lý cũng cho rằng, một số ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định quá cụ thể việc “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”. Tuy nhiên, theo phân tích của Ban Biên tập, ở Việt Nam, lực lượng vũ trang là công cụ của Đảng và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử cũng đã chứng minh, lực lượng vũ trang luôn trung thành với Đảng và cũng chỉ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì lực lượng này mới thực hiện tốt nhiệm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, chế độ. Vì vậy, quy định của Hiến pháp về nội dung này là phù hợp.

Liên quan đến công văn của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khuyến khích nhân dân tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho đến ngày 30.9.2013 trước khi dự thảo được trình Quốc hội thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giải thích thêm: “Đây là thẩm quyền của Quốc hội được ghi rõ trong Nghị quyết 38. Đồng thời cũng là nguyện vọng của nhân dân, các địa phương. Nếu dừng lại ở mốc 31.3 sau đó mọi người không có quyền đóng góp vào dự thảo Hiến pháp thì không dân chủ và không tiếp thu được đầy đủ ý kiến của nhân dân”.