Năm 2008, trước khi sáp nhập với Hà Nội, huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ) có khoảng hơn 100 dự án đã và đang thu hồi đất, với tổng diện tích thu hồi lên đến hàng nghìn ha. Từ khi sáp nhập, Hoài Đức tiếp tục triển khai 3 dự án mới, đó là Dự án Khu đô thị Nam QL32 (46ha); trung tâm lái xe Đức Thượng (3ha) và nạo vét sông Đáy (40ha), trở thành một trong những huyện có tổng diện tích đất thu hồi, đặc biệt là đất nông nghiệp lớn nhất nhì Hà Nội. Do nhiều dự án đã thu hồi, đền bù trước khi sáp nhập, nên giá đền bù có sự chênh lệch rất lớn so với sau khi sáp nhập, nên có không ít vụ khiếu kiện xảy ra, rất may đã được "hóa giải" kịp thời.
Theo bà Trần Thị Én- Phó ban Giải phóng mặt bằng huyện Hoài Đức, mặc dù là huyện có tỷ lệ diện tích đất, số hộ bị thu hồi đất cao, nhưng số vụ kiếu kiện vượt cấp, kéo dài rất ít, là bởi huyện đã giải quyết tốt khâu "hậu thu hồi đất", đó là dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ người dân vay vốn ổn định cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Hiền- Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Hoài Đức cho hay: "Ngoài chỉ tiêu dạy nghề theo Quyết định 1956, hàng năm UBND huyện còn chi khoảng 350 - 400 triệu đồng, thành phố khoảng 2,228 tỷ đồng cho công tác dạy nghề. Năm 2012, Trung tâm đã mở 45 lớp, hơn 1.342 học viên, với các nghề như: Nấu ăn, tin học, trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, trồng nấm… đối tượng chủ yếu là những người mất đất, gia đình chính sách, hộ nghèo. Hầu hết các học viên sau khi học nghề đều đã có việc làm và thu nhập ổn định".
Anh Đặng Văn Soái, thôn Vân Lũng, xã An Khánh, một trong những hộ bị thu hồi 100% đất nông nghiệp cho dự án Đại lộ Thăng Long, được học nghề trồng cây cảnh. "Không còn đất cấy lúa, tôi chuyển sang trồng cây cảnh ở mảnh vườn gần 2 sào. Trước kia tôi chỉ trồng chơi, từ khi được học nghề, biết cách tạo tán, uốn thế, tôi đã vào gò các thế cây sanh, đa, tùng… Năm 2012, tuy kinh tế suy giảm, nhưng tôi vẫn bán được hơn chục cây, lãi gần 200 triệu đồng" - anh Soái cho biết.
Việt Tùng