Dân Việt

Hỗ trợ nông dân vùng mất đất đi XKLĐ: Thực hiện chậm

14/03/2013 09:59 GMT+7
(Dân Việt) - Nguyên nhân chính vẫn là do cơ quan quản lý chưa nắm bắt và đề ra được biện pháp triển khai và chưa đề ra các văn bản, thông tư hướng dẫn thực hiện kèm theo.

Trả lời phỏng vấn NTNN về Quyết định 52 của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, đặc biệt tăng cường hỗ trợ xuất khẩu lao động cho nhóm nông dân mất đất, ông Bùi Sĩ Lợi  - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Trong điều kiện cả nước có hơn 500.000 nông dân bị mất đất, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng thành khu công nghiệp, khu đô thị… thì việc thông qua Quyết định 52 là việc làm rất cần thiết.

Tuy nhiên, Quyết định ra đời vẫn còn chậm, lẽ ra nó phải ra sớm hơn để xử lý tổng thể vấn đề việc làm, dạy nghề cho lao động này.

img
 Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Có ý kiến cho rằng Quyết định 52 khó triển khai, thủ tục rườm rà nên người dân khó tiếp cận?

- Không thể nói Quyết định 52 là khó thực hiện, càng không thể nói là rườm rà, phức tạp vì chúng ta đã thực hiện đâu mà biết. Có điều, khi thông qua quyết định, các đơn vị có liên quan cần phải tính kỹ các phương án triển khai, thực hiện. Đặc biệt, các cơ quan quản lý, chính quyền cần phải tuyên truyền, tư vấn chính sách tới người dân, để người dân hiểu và thực hiện.

Một trong những nội dung được kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá trong việc hỗ trợ nông dân mất đất chính là tăng cường xuất khẩu lao động (XKLĐ). Điều này phải chăng rất hợp lý?

- Hai trong ba chính sách lớn này là dạy nghề, hỗ trợ vốn tạo việc làm, chúng ta đã làm từ khá lâu rồi, thế nhưng hiệu quả còn phải bàn cãi nhiều. Riêng hỗ trợ nông dân mất đất đi XKLĐ thì đây là lần đầu tiên. Tôi cho rằng đây là chính sách hết sức nhân văn, một cách làm mới mà nếu làm tốt sẽ tạo sức bật làm thay đổi căn bản đời sống của nông dân. Thực tế, quá trình đi giám sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngòai cho thấy việc thực hiện luật còn nhiều bất cập.

Cụ thể như: Đào tạo chưa tốt, tạo việc làm chưa bền vững, thu nhập chưa cao…; Có lao động học tới 6 tháng nhưng phải bỏ về vì đợi việc lâu quá. Lại có người đấu tranh để được đi, nhưng sau một thời gian ra nước ngoài làm việc không thích ứng được phải trở về. Chính sách tốt, nhưng khi triển khai cần phải làm thận trọng, cẩn thận, lựa chọn thị trường thật phù hợp.

img
Nhiều hộ dân mất đất đã được UBND huyện Hoài Đức hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm.

Chính sách rất nhân văn nhưng đến giờ nông dân mất đất vẫn chưa thể tiếp cận. Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ này?

- Sự chậm trễ này đến từ nhiều phía. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do cơ quan quản lý chưa nắm bắt và đề ra được biện pháp triển khai và chưa đề ra các văn bản, thông tư hướng dẫn thực hiện kèm theo. Mặt khác, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến luật, phổ biến chính sách của chúng ta tới người dân vẫn chưa tốt. Chính quyền không vào cuộc, địa phương không tuyên truyền, không xây dựng quy trình hỗ trợ … thì dân làm sao mà biết để tiếp cận xin hỗ trợ.

Vậy theo ông, thời gian tới chúng ta cần làm gì để thực hiện tốt Quyết định 52, hỗ trợ tốt nhất cho đối tượng là nông dân mất đất?

- Điều đầu tiên đặt ra là khi ban hành chính sách phải gắn với ngân sách. Sau đó, cần phải có biện pháp, cách thức tổ chức triển khai thực hiện, tránh tình trạng ra văn bản chính sách rồi nhưng không thực hiện. Muốn vậy, cần nhanh chóng tập huấn, triển khai tuyên truyền đưa văn bản tới người dân. Thời gian tới, cũng cần xem xét việc triển khai thực hiện tháo gỡ những "nút thắt", tạo cơ chế thông thoáng để người dân tiếp cận. Đặc biệt, cơ quan quản lý, đệ trình quyết định cũng phải thường xuyên đôn đốc, giải quyết các vướng mắc. Về việc này, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cần phải hỗ trợ để các địa phương và người dân thực hiện.

Ông Nguyễn Duy Lượng - Phó chủ tịch T.ư Hội Nông dân VN: Khiếu kiện có lỗi của chính sách đất đai

Thực tế việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn còn nóng, vì vậy việc sửa đổi Luật Đất đai cần nhìn từ thực tiễn khi áp dụng... Hiện nhiều quyết định của chính quyền không hợp lòng dân khiến người dân bất bình, nhiều nơi cán bộ vô cảm làm ngơ trước lợi ích của dân. Ngay việc đền bù, bồi thường tái định cư, cũng cho thấy đa phần đơn thư đều xuất phát từ việc người dân không đồng tình với quyết định của chính quyền. Những quyết định đó nếu có đúng quy định mà dân vẫn kiện thì điều đó chứng tỏ lỗi chính sách pháp luật về đất đai không hợp lý nữa rồi. Vì vậy, việc sửa Luật cần hướng tới mục đích đảm bảo được quyền lợi, thể hiện được nguyện vọng của người dân và có sự công bằng trong thực hiện".

Ông Phạm Hữu Văn - Phó trưởng Ban Kinh tế T.ư Hội Nông dân VN: Giá đền bù quá rẻ

"Tôi nghĩ cần nhìn thẳng thực tế thu hồi đất vào mục đích công thì thuận lợi, người dân sẵn sàng nhận tiền, nhưng tại sao khi thu hồi đất đất làm các khu đô thị lại khó? Bởi lẽ cũng vì mục đích chung nhưng giá đền bù cho người dân chỉ vài trăm nghìn/m2, nhà đầu tư chỉ đầu tư khoảng 2-3 triệu làm hạ tầng, sau đó bán đất với giá 40-50 triệu/m2. Người dân hiểu ngọn ngành đấy, họ biết cả vì sao bán được 40-50 triệu/m2, lợi nhuận đó đi đâu nên họ bức xúc là ở chỗ đó… Ông chủ đầu tư nào cũng nói tôi phục vụ cho mục đích chung, cho lợi ích quốc gia, chung cư cũng nói là lợi ích quốc gia, nhưng cứ giá của dân thì rẻ, sang tay là giá đắt, người dân không chịu đâu".