Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh: "Các cơ quan báo chí cần coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng".
Theo báo cáo của Bộ Thông tin- Truyền thông, Việt Nam hiện có 812 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm; 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp; có gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề.
Tham luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Báo NTNN đã nhấn mạnh về 5 vấn đề truyền thông trong lĩnh vực "tam nông" cần phải lưu tâm nhiều hơn trong năm 2013 là: Sửa đổi chính sách đất đai cho nông dân; chính sách cho đối tượng cận nghèo; cơ hội cho truyền thông gia tăng xây dựng nông thôn mới; tái cấu trúc ngành nông nghiệp và cây trồng công nghệ sinh học.
Đại diện Báo NTNN cho biết: "Hiện Việt Nam còn hơn 1,4 triệu hộ thuộc diện cận nghèo trong tổng số 22 triệu hộ cả nước. Trong điều kiện kinh tế khó khăn cộng với hạn hán, bão lũ, thiên tai như hiện nay, khả năng tái nghèo đối với đối tượng này rất cao, trong khi chính sách hỗ trợ cho họ vẫn còn nhiều khoảng trống. Trong năm 2013, nếu có sự quan tâm thấu đáo của giới truyền thông, sinh kế cho nhóm đối tượng này có thể sẽ được cải thiện nhiều hơn".
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đề nghị, để giữ vững vị thế, vai trò định hướng dư luận xã hội, những người làm công tác báo chí phải phát huy hơn nữa tính chủ động, tính thuyết phục; bám sát thực tiễn công cuộc đổi mới của đất nước, phát hiện, biểu dương điển hình tiên tiến, các phong trào thi đua yêu nước...
Minh Anh