Dân Việt

Khó trả ngược bệnh nhân vượt tuyến

20/03/2013 06:31 GMT+7
(Dân Việt) - Một lãnh đạo ngành y tế cũng cho biết, nếu thai phụ lên bệnh viện tuyến trên sinh đẻ cũng khó lòng từ chối vì nhỡ chuyển họ về tuyến dưới mà họ có tai biến thì... cũng chết.

Phạt bệnh viện tuyến trên điều trị bệnh nhẹ, cấm bệnh viện tuyến dưới chuyển bệnh nhân “vẫn chữa được”, bệnh nhân vượt tuyến “vô lý” sẽ bị trả về là một phần nội dung Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 vừa được Bộ Y tế phê duyệt. Tuy nhiên, điều này cũng không dễ thực hiện.

Nơi quá tải, nơi heo hắt

Nghiên cứu “Đánh giá tình hình quá tải của một số bệnh viện tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh” của Lê Quang Cường và cộng sự (Viện chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cho thấy, khoảng 60% bệnh nhân nhập viện Bạch Mai (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP HCM) không có giấy giới thiệu của tuyến dưới. Tại bệnh viện Phụ sản T.Ư và bệnh viện Nhi T.Ư tỷ lệ này lên tới 90-95%. Điều này khiến cho các bệnh viện T.Ư quá tải, công suất sử dụng giường bệnh luôn từ 165 đến 200%.

img
Tình trạng quá tải bệnh viện đang khiến ngành y tế đau đầu (ảnh minh họa).

Đa phần các ca bệnh vượt tuyến đều có thể xử lý được dưới tuyến dưới. Tại bệnh viện Phụ sản TƯ, tỷ lệ bệnh nhân đẻ thường và mổ đẻ chiếm tới 56%, trong đó riêng đẻ thường chiếm 33%. Tại bệnh viện Từ Dũ, tỷ lệ đẻ thường lên đến 46%; Hơn 1/2 bệnh nhân mắc các bệnh điều trị được tại tuyến huyện và hơn 1/3 bệnh nhân mắc bệnh tuyến tỉnh điều trị được đã lên khám chữa tại bệnh viện T.Ư. 80% bệnh nhân này cho biết, họ thiếu tin tưởng bệnh viện cơ sở vì trình độ chuyên môn, trang thiết bị…

Xếp hàng chờ ở BV Phụ Sản T.Ư từ 7 giờ sáng, nhưng số khám của chị Lê Phương Lan (TP Quảng Ngãi) là 314. Chị Lan cho biết, tuy rằng biết là bệnh viện tuyến trên đông, đi lại khó khăn, mất tiền nhiều, nhưng chị vẫn lên đây cho chắc.

“Hai vợ chồng hiếm muộn, mãi mới có đứa con nên cứ phải cẩn thận. Tôi cứ khám ở đây, gần sinh thì tôi lên nhà họ hàng ở. Tuy đẻ thường nhưng ở bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi liên tục xảy ra tai biến sản khoa, vợ chồng tôi sợ chết khiếp, đâu dám sinh ở đó. Muốn người dân không vượt tuyến thì chất lượng y tế cũng phải đồng đều chứ” – chị Lan cho biết.

Ngại nhất bị kiện

Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, khoảng 30-40% bệnh nhân ở tỉnh vượt tuyến, đa số là từ huyện lên thẳng tuyến T.Ư. Bệnh viện luôn gặp những trường hợp, bệnh nhân vượt tuyến, sau đó quay ngược lại để xin giấy chuyển viện.

“Khi bệnh viện tuyến trên đã điều trị, yêu cầu chúng tôi chuyển bảo hiểm y tế theo thủ tục thì chúng tôi cũng phải theo, vì “việc đã rồi”, nếu không thực hiện thì bệnh nhân sẽ thiệt thòi” – bác sĩ Hùng cho biết.

TS Nguyễn Tiến Quyết – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, có 30% các ca bệnh tại Việt Đức là chuyển tuyến không hợp lý. Những tai nạn gãy tay, gãy chân, mổ ruột thừa, sỏi mật… có thể làm ở tuyến tỉnh. “Từ lâu, chúng tôi đã thực hiện biện pháp “chuyển ngược” bệnh nhân về tỉnh để xử lý.

Có nhiều trường hợp cấp cứu bị thương nhẹ, chúng tôi sơ cứu cẩn thận rồi chuyển về tỉnh, hoặc mổ xong 3-5 ngày, sức khỏe ổn định thì chúng tôi phải “đuổi về”. Tuy nhiên, việc chuyển ngược theo đề án là khá nhạy cảm, vì nếu tuyến dưới không đủ trình độ để xử lý hoặc xử lý sai.

Đối với các bệnh mãn tính như đau khớp, sỏi mật, chúng tôi cứ theo đúng phân tuyến kỹ thuật mà làm. Phân tuyến đúng mới có thể hạn chế được “chỗ thừa, chỗ thiếu” – TS Quyết cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng:

“Việc phân tuyến kỹ thuật là đúng, nhưng danh mục thuốc theo bảo hiểm y tế lại “lạc hậu”. Vì cùng một loại bệnh ung thư, chúng tôi cũng có thể điều trị theo phác đồ chuẩn, nhưng có nhiều loại thuốc mà chỉ bệnh viện T.Ư mới được cấp, còn chúng tôi lại không nên nhiều bệnh nhân cứ đòi vượt tuyến để hưởng thuốc tốt hơn”.

Phó Giám đốc BHXH Nam Định -Vũ Bá Cương

“Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh Nam Định đã rất thấp (43%) nhưng bệnh nhân lại “thất thoát” đi nơi khác nên số kinh phí thu về càng chẳng được là bao. Mặt khác lại xảy ra tình trạng lãng phí cơ sở vật chất và nhân lực khi đầy đủ kỹ thuật, trình độ mà lại bị bỏ phí, không có bệnh nhân”.

Bác sĩ Nguyễn Bá Tân - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Nghệ An cho biết, cho dù Trung tâm có đủ các điều kiện để siêu âm, mổ đẻ an toàn nhưng vẫn có nhiều thai phụ đến xin chuyển tuyến lên trên để đẻ vì sợ biến chứng. Theo ông Tân rất khó từ chối vì việc sinh nở có rủi ro rất bất ngờ, nếu giữ họ lại mà có tai biến thì chắc chắn sẽ bị kiện cáo rùm beng, rất khó giải thích.

Một lãnh đạo ngành y tế cũng cho biết, nếu thai phụ lên bệnh viện tuyến trên sinh đẻ cũng khó lòng từ chối vì nhỡ chuyển họ về tuyến dưới mà họ có tai biến thì... cũng chết. Đây là điểm nhạy cảm mà phần lớn các bệnh viện sẽ lấy đó làm cớ để “tùy bệnh nhân”.

Ông Bùi Công Toàn – Phó Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, phân tuyến kỹ thuật thì đúng nhưng trình độ bác sĩ ở các tuyến chưa đúng với yêu cầu của Bộ Y tế phân và không đồng đều, chỗ này làm tốt, chỗ kia vẫn nhiều sai sót nên khó có thể cấm được bệnh nhân vượt tuyến.

Ngoài ra, ranh giới giữa các bệnh cũng rất mong manh: “U lành, u thường tuyến huyện có thể làm được nhưng chẳng hạn nếu là polyp đại trực tràng có thể là u lành nhưng có thể có khả năng ung thư. Lúc đó thì huyện lại bó tay”- ông Toàn nhận định.

Ngoài ra, việc phân tuyến kỹ thuật cũng sẽ gây tranh cãi vì tuyến này bảo làm được, tuyến kia lại thấy chưa ổn. Bệnh nhân ở giữa có thể “bị kẹt”, bị “đùn đẩy, giằng giật” giữa các tuyến bệnh viện.