Về những quy định mới của Bộ Y tế, TS Trần Tuấn cho rằng là đúng theo hệ thống phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế, giúp cho việc chữa bệnh “hài hòa” hơn. Nhưng quan trọng là việc đó có hiệu lực hay không với bệnh nhân mới là điều quan trọng. Chính sách này chủ yếu can thiệp đối với các bệnh nhân có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm y tế lại vẫn có cơ chế thanh toán cho những bệnh nhân vượt tuyến (50% viện phí), như thế, bệnh nhân vẫn được “khuyến khích” vượt tuyến.
Chính sách này có tác động như thế nào đến các bệnh viện?
- Đối với các bệnh viện tuyến dưới thì có thể sẽ tạo lợi ích vì họ có thêm bệnh nhân, thu thêm kinh phí. Tuy nhiên, nếu họ không có “thực lực” đồng bộ mà lại bị buộc phải điều trị bệnh nhân đúng tuyến thì có thể sẽ chịu áp lực. Nếu không cho chuyển tuyến nhưng bệnh nhân bị tai biến, bị tử vong thì sẽ khó “giải trình” với người nhà bệnh nhân. Còn đối với các bệnh viện tuyến trên cũng không vì thế mà ảnh hưởng. Bộ Y tế còn có chính sách cho phép các bệnh viện tự chủ một phần kinh phí, được phép tạo ra nhiều kênh thu viện phí khác như: Khám chữa bệnh tự nguyện, xã hội hóa y tế…
Như vậy, ông cho rằng việc cấm này cũng không thể hạn chế được bệnh nhân chuyển tuyến?
- Nguyên nhân của việc bệnh nhân vượt tuyến chính là chất lượng dịch vụ. Lý do trước hết là người bệnh lo cho sinh mạng của họ, sau là họ tính đến sự hiệu quả của điều trị. Cho dù vượt tuyến khiến họ phải trả viện phí cao hơn là khám đúng tuyến, nhưng người dân thấy rằng điều trị hiệu quả hơn nhanh khỏi bệnh. Còn điều trị tuyến dưới có thể đỡ được ít viện phí nhưng nếu khám sai, điều trị lâu phải đi khám lại, chữa lại thì lúc đó còn tốn kém hơn nhiều lần. Nếu bệnh trọng thì có thể mất cơ hội được điều trị sớm, nguy hiểm tính mạng.
Bệnh nhân họ cũng đã cân nhắc kỹ chứ không phải “bồng bột”, “kém hiểu biết” mà vượt tuyến vì bệnh nhẹ đâu. Nếu cứ “ép” họ phải khám đúng tuyến có thể họ sẽ bỏ cả bảo hiểm y tế. Vì thế, cần phải cân nhắc xem chính sách này liệu có “vô hiệu hóa” đề án bảo hiểm y tế toàn dân hay không?
Tuấn Kiệt (thực hiện)