Nông dân chịu thiệt
Sáng 18.3, tại một đám dưa ở gần giữa bãi bồi Ngọc Thạch, sau khi đưa mắt dò xét cẩn thận xung quanh, 1 người dân tên Vũ kể: “Biết khoảng 5 sào dưa của gia đình trồng chuẩn bị thu hoạch nên vừa rồi có một thương lái trong huyện đến hỏi mua.
Tuy nhiên, khi trên đường dẫn người mua đến ruộng để xem và lấy tiền cọc, anh đã bị một số thanh niên mặt mày bặm trợn, xăm trổ đầy mình ra ngăn chặn và hăm dọa rằng toàn bộ số dưa trong vùng đã có người mua rồi”. Thấy vậy nên thương lái sợ quá phải vội vàng quay ra về.
Bị côn đồ ngăn cản không cho thương lái vào mua, khá nhiều dưa của người dân đã bị hư hỏng. |
Chị Thương có đám dưa ở gần đó bức xúc kể: “Hầu hết các ngả đường dẫn vào khu vực này đều có người của bọn chúng canh chừng khoảng gần 1 tuần nay.
Ngoài đuổi không cho vào mua, một số thương lái sau khi năn nỉ thì được bọn chúng đồng ý nhưng với điều kiện là phải nộp phí, khoảng 3-4 triệu đồng, đồng thời phải mua với giá mà bọn chúng đưa ra là khoảng 8.000-8.300 đồng/kg, thấp hơn so với thị trường từ 1.500-2.000 đồng/kg.
“Trước tình trạng như vậy nên một số người trồng dưa sợ bị thối, đành chấp nhận chịu thiệt để bán cho người của bọn chúng với giá trên”- chị Thương kể.
Cơ quan chức năng nói gì?
Vào trưa cùng ngày, làm việc với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Tiến Thanh - Phó Công an xã Tịnh An cho biết: Lực lượng của xã đang phối hợp với Công an huyện Sơn Tịnh điều tra làm rõ vụ việc trên.
Theo thông tin ban đầu mà chính quyền Tịnh An cung cấp, số côn đồ trên ở TP. Quảng Ngãi, do một thương lái tên Cúc (quê huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) thuê, với mục đích ngăn chặn các thương lái khác đến mua để ép số hộ đang trồng dưa ở đây bán giá thấp hơn.
Ông Phùng Ngọc Danh - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh An, cung cấp thêm: Vụ dưa năm nay, tại khu vực bãi bồi thôn Ngọc Thạch có khoảng 20 hộ trồng dưa, với tổng diện tích khoảng 7ha. Trong số đó có khoảng 6 hộ ở một số xã Bình Chương, Bình Hiệp (huyện Bình Sơn) vào thuê đất để trồng, với diện tích khoảng 30.000m2.
Cho đến thời điểm này, ngoài buông lời đe dọa thì số đối tượng trên chưa có hành vi xâm phạm, hay phá hoại dưa của người dân ở đây. Mấy ngày nay, trước sự có mặt của lực lượng chức năng của xã và huyện, nhóm côn đồ trên đã bỏ đi. Và đây cũng là lần đầu tiên ở địa phương xảy ra tình trạng này.
Được biết, ngoài vụ việc trên, trong thời gian qua trên địa bàn huyện Sơn Tịnh đã xảy ra không ít vụ đối tượng xấu phá hoại dưa, gây thiệt hại cho người dân trên 500 triệu đồng. Trong đó có 1 đối tượng đã bị bắt và xử lý.
Cần có đợt trấn áp tội phạm
Trước kia ở nông thôn cũng có chuyện kẻ xấu dùng "đòn bẩn". Nhưng mỗi lần xảy ra vụ việc như vậy, cơ quan công an làm rất ráo riết. Ngày nay "đòn bẩn" không chỉ dừng lại ở mâu thuẫn cá nhân mà nhằm mục đích cạnh tranh, triệt hạ nhau, như một kiểu xã hội đen. Theo tôi, cơ quan công an cần tận tâm, tận lực truy lùng, xử lý mạnh tay kẻ phạm tội. Trước mắt, ngành công an hãy mở đợt ra quân trấn áp loại tội phạm này, mở phiên xét xử điểm tại cơ sở để răn đe tội phạm.
Lê Văn Dũng
Các hộ phải liên kết bảo vệ
Trong khi chờ sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, biện pháp tốt nhất là người dân hãy tự bảo vệ mình. Các hộ sản xuất, kinh doanh cần liên kết với nhau, thành lập đội tuần tra, canh gác bảo vệ. Lãnh đạo xã cần đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh, vận động quần chúng tố giác tội phạm, tạo nên sức mạnh của quần chúng. Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát và phải thực sự làm lực lượng nòng cốt, chỗ dựa tin cậy của dân. Làm được vậy, mới mong hạn chế “đòn bẩn”.
Phạm Văn Hoàn
Công Xuân