Dân Việt

Agribank chi nhánh Quảng Nam: Đồng hành cùng nhà nông

20/03/2013 07:23 GMT+7
(Dân Việt) - Từ năm 1997 đến nay, trải qua chặng đường 16 năm đầy dấu ấn, Agribank chi nhánh Quảng Nam luôn tự hào là một người bạn tin cậy của nhà nông, chung lưng đấu cật với nông dân để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Cùng với sự kiện tái lập tỉnh Quảng Nam, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam (Agribank chi nhánh Quảng Nam) được thành lập trên cơ sở tách ra từ Sở giao dịch III - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tại Đà Nẵng vào năm 1997.

img
Hội nghị định kỳ giao ban triển khai nhiệm vụ đầu tư tín dụng tại Agribank chi nhánh Quảng Nam.

Dấu ấn

Nhớ lại những ngày đầu thành lập, tiến sĩ Võ Văn Lâm - Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Nam cho biết: “Lúc bấy giờ rất khó khăn. Cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu. Nhiều chi nhánh cấp huyện, thị kinh doanh thua lỗ. Đối tượng phục vụ của ngân hàng khi đó chủ yếu là kinh tế hộ nông, lâm, ngư nghiệp ở nông thôn, với những món vay nhỏ lẻ, manh mún. Huy động vốn ở tỉnh nghèo thật là nan giải...”.

TS Lâm và các đồng sự đã từng bước củng cố lại mạng lưới tổ chức, quyết tâm tìm lối đi mới, phù hợp để vươn lên. “Chúng tôi động viên nhau, làm việc tận tâm, với phương châm "tìm nhu cầu của khách hàng và giúp họ thỏa mãn". Nhờ tập hợp sức mạnh tập thể, phát huy sáng kiến mọi người, và nhất là luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương mà chúng tôi vượt qua trở lực, phát triển đi lên” - TS Lâm tâm sự. Vào cuối năm 2012, tổng nguồn vốn huy động của Agribank chi nhánh Quảng Nam đã tăng gấp 43 lần so với năm 1997; tốc độ tăng vốn huy động bình quân 16 năm qua là 29,5%/năm. Có được nguồn vốn, ngân hàng không ngừng mở rộng cho vay đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đặc biệt là các hộ nông dân. Dư nợ tín dụng đến cuối năm 2012 tăng gấp 22 lần so với năm 1997, tốc độ tăng bình quân hàng năm 21,8%.

Gắn bó mật thiết với nông dân

“Trong quá trình hoạt động, chúng tôi luôn gắn hoạt động ngân hàng với quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân tỉnh nhà. Khách hàng lớn nhất, chiếm đại đa số để chi nhánh đầu tư vốn vẫn là kinh tế hộ trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Trong nhận thức mỗi viên chức Agribank, địa bàn nông thôn luôn là thị trường truyền thống và lâu dài” - TS Lâm cho biết.

Ngân hàng đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể thực hiện chính sách tín dụng trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Agribank chi nhánh Quảng Nam phối hợp Hội ND các cấp ký kết kế hoạch liên ngành để thực hiện Nghị quyết Liên tịch số 2308 giữa Hội ND Việt Nam và Agribank. Đã tạo điều kiện cho các chủ kinh tế trang trại vay hàng chục tỷ đồng để họ chủ động thu hút thêm nhiều lao động cho sản xuất nông sản hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Những năm gần đây, trên địa bàn Quảng Nam, xuất hiện nhiều mô hình tiên tiến trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vừa sản xuất lúa vừa chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chuyển đổi đất sản xuất lúa có năng suất thấp sang trồng các loại cây ngô lai, trồng dưa trái vụ, các loại đậu, cây dó bầu, tiêu, quế... Phần lớn những mô hình trên đều có sự trợ vốn của Agribank. Ngoài ra, Agribank còn cho vay giúp các làng nghề truyền thống và tiểu thủ công nghiệp khôi phục và phát triển, trong đó có những làng nghề được trong nước và quốc tế biết đến như những điểm du lịch nổi tiếng: Làng mộc Kim Bồng, làng lụa Mã Châu, làng đúc đồng Phước Kiều, làng rau Trà Quế. Nhờ nguồn vốn ngân hàng, các làng nghề đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, với mức thu nhập hàng năm từ 20-25 triệu đồng.

“Trong thời gian tới, Agribank chi nhánh Quảng Nam xác định trọng tâm hoạt động là tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân chiếm tỷ trọng trên 85% dư nợ, xác định nguồn vốn dân cư là nền tảng để cân đối đầu tư; duy trì vai trò chủ lực về hoạt động ngân hàng đối với nông nghiệp, nông dân, xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội thông qua tích cực tham gia các phong trào ủng hộ từ thiện, an sinh xã hội vì một Quảng Nam phồn vinh, giàu đẹp...".

Theo TS Lâm, dư nợ kinh tế hộ đến cuối năm 2012 đạt trên 36% tổng dư nợ, với khoảng 185.000 khách hàng đang có quan hệ tín dụng. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/NĐ-CP chiếm 84,5% tổng dư nợ, tăng 114,22% so với năm 2011. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ trực tiếp trên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 42,9% trên tổng dư nợ, tăng 65,9% so với năm 2011. Với các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, xã đảo, Agribank chi nhánh Quảng Nam cho vay ưu đãi lãi suất khu vực II và khu vực III nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp và đồng bào dân tộc thiểu số có vốn sản xuất và chuyển đổi ngành nghề mới ở khu vực vùng đặc biệt khó khăn với hơn 3 ngàn hộ vay và 4 doanh nghiệp hoạt động ở địa bàn miền núi.

Sống là chia sẻ

Rất nhiều vùng quê còn khó khăn của Quảng Nam đã và đang tiếp tục mang dấu ấn của Agribank qua hình ảnh những ngôi trường, những ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà tình nghĩa, nhà đoàn kết... mà cán bộ ngân hàng chắt chiu góp sức dựng nên. Trong 16 năm (1997-2012), tập thể cán bộ viên chức - lao động Agribank chi nhánh Quảng Nam đã tham gia ủng hộ từ thiện với tổng giá trị lên đến 37,9 tỷ đồng. Đơn vị đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đăng ký với UBND tỉnh Quảng Nam về Chương trình nhà ở cho đối tượng gia đình chính sách, người có công cách mạng. Liên tục 5 năm gần đây 2008-2012, viên chức ngân hàng đóng góp hơn 3,9 tỷ đồng để xây dựng và tặng 153 ngôi nhà đoàn kết, nhà tình nghĩa, đưa tổng số nhà đoàn kết, nhà tình nghĩa mà ngân hàng tài trợ xây dựng lên 272 cái (với 5,5 tỷ đồng). Rất nhiều địa phương trong tỉnh tri ân sự giúp đỡ của Agribank. Như huyện Đại Lộc với công trình Trường Mẫu giáo thôn Tân Đợi (Đại Sơn) trị giá 350 triệu đồng; huyện Bắc Trà My với Trường Mẫu giáo xã Trà Dương, 400 triệu đồng; TP.Hội An với Trường Mẫu giáo phường Cẩm An, 300 triệu đồng; huyện Thăng Bình với Trường Mẫu giáo xã Bình Sa, 250 triệu đồng; huyện Quế Sơn và huyện Nông Sơn với 2 trường mẫu giáo ở 2 xã Quế Phú và Sơn Viên, trị giá 2,8 tỷ đồng; huyện Núi Thành với 3 công trình Nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp tránh bão tại thôn Cồn Si, xóm Chùa trị giá 8 tỷ đồng... Và còn nhiều địa phương khác, đâu đâu cũng có dấu ấn từ thiện, an sinh xã hội của Agribank chi nhánh Quảng Nam. Đấy là chưa kể, sự giúp đỡ của ngân hàng đối với Quỹ Nạn nhân chất độc da cam của tỉnh (10 tỷ đồng), ủng hộ khắc phục thiên tai lũ lụt 1,7 tỷ đồng…