Dân Việt

Phụ huynh phờ phạc khi nghỉ Tết “lệch pha” với con

ĐĐK 10/02/2014 15:19 GMT+7
Hôm nay 10.2 tất cả trẻ em tới trường đi học lại sau kỳ nghỉ Tết dài, "lệch pha” với cha mẹ là công chức viên chức cả trước và sau tết.
Kỳ nghỉ Tết Giáp Ngọ này buộc nhiều gia đình phải đau đầu sắp xếp tính toán việc nhà khi công chức viên chức được Nhà nước cho nghỉ dài tới 9 ngày, nhưng vẫn ngắn hơn khoảng gần tuần so với lịch nghỉ Tết của con cái là học sinh. Điều này để lại những dấu hằn mệt mỏi cho nhiều nhà có con nhỏ, cả những thâm hụt không đáng có về tài chính khi cha mẹ buộc phải nghỉ việc hoặc thuê người trông con dịp này.

Câu chuyện nghỉ Tết sao cho mọi người thực sự tiện lợi, hưởng thụ kỳ nghỉ sao cho khôn ngoan tiếp tục nhận được quan tâm từ nhiều phía. Nhưng một kỳ nghỉ "vui như Tết” mà cuối năm và đầu năm cứ ám ảnh nỗi canh cánh tìm người trông con, rõ ràng cái thú nhàn nhã vẫn là xa xỉ… Học làm học ăn vốn không dễ mà xem ra, học được cách nghỉ ngơi cho hợp lý hợp tình chẳng dễ dàng gì.

Xuân về
Xuân về

Mùng 7 Tết là ngày làm việc đầu tiên nhưng đường phố không hề thấy bóng dáng học sinh, sinh viên hối hả đến trường, bởi họ được nghỉ tới 16 ngày. Ít ra quy định này có ở 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM. Một số sinh viên phấn khởi ra mặt vì đây là dịp kiếm việc làm thêm giá cao, nhưng hầu hết những gia đình có con nhỏ không tự chăm sóc bản thân được thì mọi chuyện phát sinh từ lịch nghỉ Tết lệch pha không hề dễ giải quyết. Không phải công sở nào cũng có thể biến thành nhà trẻ dù chỉ ba ngày sau Tết - nhiều bậc bố mẹ trẻ than thở… Một số gia đình còn có thể xảy ra bất hòa nếu không thể thỏa hiệp được "anh” hay "em” sẽ nghỉ trông con mấy ngày đầu đi làm này!

Một số cán bộ ngành giáo dục và các thầy cô giáo ở Hà Nội chia sẻ nỗi khổ tâm đó của nhiều phụ huynh khi họ cho hay chính mình cũng bị buộc phải tuân thủ quy định của Sở GD&ĐT dù không muốn. Nhà trường đóng cửa kéo dài nào được lợi lộc gì. Vấn đề là cả khi giáo viên và nhiều phụ huynh, ngày cả học sinh có thấy kỳ nghỉ Tết dài và lệch pha có thể khiến các gia đình rối bời, thì không có ai hoặc không có tổ chức nào đại diện đề xuất với lãnh đạo Sở GD&ĐT điều chỉnh kế hoạch nghỉ Tết cổ truyền.

Thái độ cam chịu và thiếu một cơ chế đối thoại, lắng nghe trao đổi từ nhiều phía về câu chuyện nghỉ Tết nhỏ mà không nhỏ này, dễ dẫn tới năm sau và nhiều năm sau nữa, các gia đình có con nhỏ tiếp tục phải trải qua tâm trạng bất an với các phương án gửi con trước và sau Tết.

Về lý thì giảm thời gian nghỉ hè và tăng thời gian nghỉ lễ, Tết hay các thời điểm thời tiết bất thường là chủ trương Bộ GDĐT đề ra những năm gần đây. Song Bộ GD&ĐT chỉ quy định "phần cứng” - các trường phải đảm bảo đúng thời gian học tập theo quy định của Bộ là 35 tuần. "Phần mềm” nghỉ ngơi là do các sở, các trường quy định cụ thể, như cho học sinh học sớm trước ngày khai giảng chính thức 5-9, tăng thời gian nghỉ lễ, Tết... Nhà trường vì thế cần chủ động thông báo công khai kế hoạch dạy học của mình từ đầu năm học, nhất là nghỉ học kỳ, nghỉ Tết, nghỉ hè…

Về tình, một khi áp lực tâm lý đè nặng cả gia đình thì sao có thể coi nghỉ Tết dài mà lệch pha là chủ trương hay khi nó áp đặt giới phụ huynh học sinh trước quá nhiều nỗi bị động, vất vả. Chủ trương này chỉ đúng với học sinh ở cấp học nào đó, vùng miền nào đó, giúp các em nghỉ ngơi, giảm áp lực khi bắt đầu học tập trong một năm mới. Với học sinh cấp thấp và ở thành phố lớn, nghỉ ngơi lệch pha như dịp Tết này thật không dễ để vui trọn vẹn.

Với nhận thức rằng, ngày nghỉ dài của Tết vừa qua và Tết tới đây, bản thân nó không đủ để làm nên hạnh phúc và sức khỏe. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng, mỗi gia đình cần kết hợp có tiếng nói chung, sáng tạo những mô hình nghỉ ngơi hợp lý đáp ứng yêu cầu hài hòa xã hội và gia đình, nhà trường. Hiện nay có khá nhiều gia đình lên tiếng than phiền rằng nghỉ nhiều mà chẳng có nơi vui chơi, trong nhà cũng không đủ vui giữa các thế hệ cho ấm áp thì người lao động nghỉ quá lâu có thể còn ảnh hưởng tới chính sức khỏe của họ. Ông bà có thể mệt phờ vì trông cháu, trẻ con do mải chơi quá có thể chán học, bố mẹ có thể xả hơi bằng bài bạc, bói toán, cầu cúng…

Luật lao động nước ta cũng đang hướng tới một chất lượng sống cao hơn, một trong những tiêu chí là thời gian nghỉ dưỡng nhiều hơn. Vậy nghỉ ngơi ra sao, nhất là nghỉ Tết thế nào để vừa bảo tồn truyền thống dân tộc vừa tích cực hội nhập quốc tế. Hài hòa gia đình và xã hội là cả một lĩnh vực khoa học cần nghiên cứu thấu đáo, khi bên cạnh các vấn đề kinh tế thì văn hóa đang ngày càng trở nên quan trọng.

Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc, "chúng ta vẫn nên giữ nguyên Tết Âm lịch như hiện nay nhưng nên bố trí sao cho ngày nghỉ hợp lý, thuận lợi nhất đối với người dân, điều chỉnh các tập quán xã hội như hạn chế tình trạng tràn lan lễ hội... sao cho khai thác được các giá trị tích cực và hạn chế được mặt tiêu cực”.

Và để việc tái tạo năng lượng nâng cao chất lượng sống thực sự cho người dân sau những kỳ nghỉ dài như Tết Nguyên đán, trước hết cơ chế nghỉ của học sinh cần phải được thiết lập cụ thể cho các bậc học, tránh gây sốc cho bất cứ gia đình nào khi Xuân về Tết đến.