Dân Việt

Một mình bà đội cả trời nắng to...

Nguyễn Quang Thân 06/04/2014 06:44 GMT+7
Cách đây gần bảy chục năm, mấy xã trong vùng tôi sống mới có một trường tiểu học nhưng cũng là ngôi trường danh tiếng và có vai vế trong huyện.
Trường có một cái sân vận động ven sông Phố, khi lở khi bồi, nay còn mai mất, nhưng luôn được dành cho đất công đủ làm sân đá bóng và tập điền kinh. Học sinh đi san đất, trồng cỏ. Mấy người nhà giàu cho gỗ, cho lưới làm gôn. Tuy là bóng đá chân đất, lại chân đất học trò nhưng “phong trào” khá nổi đình đám. Tất nhiên không thể so với Văn Quyến hay Công Vinh nhưng cũng có những cầu thủ nổi tiếng trong vùng. Ví như “Quỳnh cu Nón”, tay hậu vệ cừ khôi là con bà cu Nón. Ngoài đội “anh cả” của toàn trường, còn có nhiều đội đàn em của các lớp. Cũng có thể gọi là có “phong trào bóng đá”, vui và hào hứng ra phết. Điều đáng hoan nghênh nhất là không ai phải trả tiền. Mọi chi phí đều có người tài trợ hoặc ông hiệu trưởng lấy quỹ nhà trường giúp thêm.

Không có tiền mà “phong trào” duy trì được nhiều năm, bền vững cho tới ngày Cách mạng Tháng Tám, trường chia về các xã trong huyện mới thôi.

Bây giờ bóng đá nhà trường có thể nói là không còn nữa. Không còn “màu cờ sắc áo” trường mình, trường bạn. Trình độ đá bóng, thông tin về bóng đá rộng hơn, sâu hơn và đương nhiên cao hơn rất nhiều trước đây. Chẳng hạn một cu bé con ông anh họ tôi mới 5 tuổi đã thuộc gần hết tên của M.U hay Chelsea! Biết Ronaldo béo và Ronaldo gầy là hai người khác nhau chứ không phải một như tôi nghĩ. Và người này, người kia làm được bao nhiêu bàn... Không còn thấy sân vận động nhà trường đâu nữa! Học sinh chỉ còn say mê xem thể thao chứ không thấy các em chơi thể thao nữa!

Hôm ấy về quê, ngồi xem TV và chuyện gẫu với mấy ông trong họ về chuyện này tôi chỉ nghe thấy than: “Tiền đâu mà chơi bóng đá!”. Một anh có vẻ thạo tin, nói: “Ngay xem cũng không có tiền mà xem nữa đây này! Nghe nói năm nay truyền hình ta không mua bản quyền “Uôn cấp” vì giá nó hét mấy trăm tỷ, có thèm cũng nuốt nước miếng thôi!”. Một người khác bàn: “ Không mua là phải, thôi luôn cả cái A-di-át nữa luôn, cả nước đang nợ đìa ra, ăn tiêu cũng phải xem chừng!”.

Nghe tới nợ, bà nội anh chủ nhà bước ra, hỏi: “Nghe TV nói mỗi người mình nợ tới hai chục triệu phải không? Nợ nhiều rứa lấy tiền mô mà trả hè?”. Anh cháu nội nói: “Đúng đấy bà ơi, bà cũng nợ mấy chục triệu đấy!”. Bà già giẫy nẫy lên: “Tao quanh năm dưa cà, có ăn tàn phá hại chi mô mà nợ?”. Anh cháu vẫn trêu bà: “Mỗi người Việt Nam mình gánh khoảng hai chục triệu tiền nợ. Bà có phải là người Việt Nam không? Bà ơi bà, một mình bà đang đội cả trời nắng to đấy!”.

Bà già không cãi nữa, nhưng bà vẫn bần thần, không hiểu vì sao mà mình lại mắc nợ! Lát sau bà nói, như độc thoại chứ không phải với mọi người: “ Răng coi bóng đá mà mắc nợ dữ rứa? Hồi tao còn nhỏ thấy mấy ông anh chơi bóng ngoài bờ sông mà vui đáo để, có phải mắc nợ ai mô?”