Chuyện của một người… …12 tuổi, bình thường thì đã lớp 6, vậy mà Kpuih Khốt mới bắt đầu vào lớp 1. Một mình thầy dạy cả 2 lớp – như bây giờ vẫn gọi là “lớp nhô”. Mỗi lần có trò bỏ học là thầy lại phải vào làng “dỗ”, ấy vậy mà cứ đến mùa tuốt lúa là lớp lại vắng hoe. Chỉ riêng Khốt là siêng học. Khốt nghĩ: Phải cố kiếm cho nhiều cái chữ để mai mốt làm thầy giáo… Tốt nghiệp lớp 5 được loại giỏi, Khốt ra huyện học cấp II.
Cả làng Pó chỉ 4 đứa theo Khốt. Cách trường khoảng 3 cây số thôi nhưng hễ trời mưa là cái xe đạp lại nghiêng ngả như người say. Khổ một chút nhưng mỗi ngày đi học là Khốt lại thấy cái đích làm thầy giáo gần thêm một chút… Bất ngờ học được xong lớp 6 thì ma Khốt bảo: “Mày nghỉ học. Biết cái chữ nói gì là đủ. Còn 3 thằng em nữa, mày còn đi học thì chúng nó phải nhịn thôi…”.
Nói gì hết nỗi buồn lúc đó nhưng cái tuổi 17 cũng biết nghĩ rồi. Nhà khó khăn quá. Lũ em còn nhỏ, một mình mà làm rẫy sao kham nổi. Chẳng phải sáng nào đi học Khốt cũng phải nhịn đói đó sao. Thôi đành, có dịp khác đi học lại cũng được…
Một lớp học bổ túc văn hóa của công ty.
Tự nghĩ cho đỡ buồn chứ Khốt biết “có dịp” cũng như chuyện ông bà mơ thấy bông lúa to bằng đuôi con trâu, nhất là chỉ 1 năm sau Khốt bắt vợ. Bao nhiêu là chuyện, ý nghĩ ấy cứ bị cuốn đi cho đến năm 2002, Khốt xin vào làm công nhân… Một hôm đội trưởng Hưng gặp Khốt bảo: “Đội ta đang chuẩn bị mở lớp học bổ túc văn hoá. Mọi thứ công ty lo hết, Khốt có muốn học không?”.
Mơ làm thầy giáo đã thành chuyện ngày xưa rồi nhưng chuyện trước mắt là thấy rõ. Cứ nghĩ làm công nhân cao su thì chỉ cần sức, thế nhưng bước sang cầm con dao cạo mới hay. Nào là cây cao su có bao nhiêu vỏ, lớp nào là bì, lớp nào chứa ống mủ. Lại cây hay bị bệnh gì, bón phân phải hàm lượng ra sao…
Nghe cán bộ kỹ thuật giảng cứ thấy chuội đi như nước đổ lá môn. Hoá ra là đầu có chữ thì tay mới biết đường đi. Hồi xưa người già cứ nói “thiếu cái chữ không chết, thiếu hột gạo mới chết” bây giờ hoá ngược. Vả chăng thiếu hột gạo đi mượn còn có người cho chứ thiếu cái chữ biết mượn ai? Không chần chừ, Khốt đăng ký ngay. Thấy Khốt hăng hái, đội trưởng Hưng cử Khốt làm lớp trưởng…
Đã 10 năm không động đến sách vở, tuổi lại gần 30, vẫn biết là nạp được chữ vào đầu thật khó, Khốt vẫn không ngờ khó đến vậy. Nhất là con toán thì “của thầy đã trả lại thầy” từ lâu. Sức yếu thì phải lấy cái siêng mà bù thôi. Hơn nữa mình lại làm lớp trưởng, học kém thì bọn trẻ cười cho.
Khốt tự đặt cho mình một thời gian biểu thật gắt. Mỗi tối sau giờ lên lớp là tranh thủ học bài ngay, phải đến 11 giờ mới được nghỉ. Chỗ nào thật chịu thì hôm sau mới hỏi thầy… Sau 3 năm bản thân miệt mài, công đoàn động viên, Khốt đã tốt nghiệp lớp 9, không có môn nào thiếu điểm phải thi lại. Cùng với niềm vui hoàn thành khoá học, Khốt được công ty đề bạt làm cán bộ Công đoàn cơ sở đội 16 Nông trường Suối Mơ…
Thiếu chữ đã thấm thía, có chữ Khốt lại càng thấm thía hơn. Không chỉ việc công mà việc tư Khốt cũng thấy đầu mình sáng hẳn lên - nhất là với công việc làm ăn. Hai suất cạo nhận khoán, vợ chồng thu nhập đến 8 triệu đồng nhưng Khốt vẫn chưa thoả mãn. Khốt lên kế hoạch trồng cà phê, chăn nuôi trâu bò. Mà không phải “làm chay” như người ta, Khốt làm có kế hoạch, có kỹ thuật học được từ sách báo hẳn hoi. Tài sản của Khốt bây giờ vào hàng nhất của làng Pó với 14 con bò, 2 trâu; nửa ha cà phê và một ngôi nhà mới xây 300 triệu đồng…
… Xã hội học tập Chủ tịch Công đoàn Công ty Cao su Chư Prông Lương Văn Quý là người gắn bó với sự nghiệp giáo dục của công ty đã hàng chục năm nay. Riêng công tác bổ túc văn hóa cho công nhân, ông là người đã góp phần rất quan trọng trong việc xây dựng “một xã hội học tập” trong lòng công ty…
Thiếu chữ đã thấm thía, có chữ Khốt lại càng thấm thía hơn. Không chỉ việc công mà việc tư Khốt cũng thấy đầu mình sáng hẳn lên - nhất là với công việc làm ăn.
|
Có lẽ không chỉ người ngoài vẫn nghĩ công nhân cao su chỉ là lao động cơ bắp, ngay cả một số công nhân lúc mới bước vào nghề cũng mang theo suy nghĩ ấy. Thực ra trong ngành nông nghiệp, cao su là nghề đòi hỏi kỹ thuật cao nhất. Bàn tay và đôi mắt người thợ cạo chính là đôi mắt và bàn tay của một người thợ cơ khí chính xác.
Hơn thế, người thợ cơ khí làm hỏng một sản phẩm còn có thể sửa chữa, trong khi người công nhân khai thác lỡ một đường dao là hỏng cả một chu kỳ sản phẩm mà không có cơ hội sửa sai… Những tiêu chuẩn nghề nghiệp khắt khe ấy muốn tiếp thu được đương nhiên phải có điều kiện tiên quyết là kiến thức văn hoá. Riêng đối với công nhân dân tộc, văn hoá còn là tiền đề để rèn luyện kỷ luật lao động, xây dựng những phẩm chất tiên tiến của giai cấp công nhân.
Với tầm nhìn văn hoá là động lực, là chiến lược phát triển, công tác dạy bổ túc văn hoá cho công nhân - chủ yếu là công nhân dân tộc Jrai đã được Công ty Cao su Chư Prông giao trọng trách cho công đoàn công ty từ trước những năm 2000. Ông Quý cho biết riêng từ năm 2003 đến nay, Công đoàn công ty đã mở lớp cho gần 500 học viên học hết trình độ từ tiểu học đến THCS.
Công tác bổ túc văn hoá đã được công đoàn coi là một trong những nhiệm vụ chính, một tiêu chuẩn thi đua song hành với sản xuất của công nhân. Học viên đi học - từ văn phòng phẩm đến trường lớp, giáo viên đều được công đoàn lo chu đáo. Ai đạt kết quả học tập tốt sẽ được khen thưởng, ngược lại nếu bỏ lớp sẽ bị trừ tiêu chuẩn thi đua. Với sự gắn kết chặt chẽ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, phải rất khó khăn trong việc củng cố và tiếp thu kiến thức, phần lớn học viên vẫn nỗ lực học tập và thu được kết quả thực chất.
Ông Quý cho biết riêng từ năm 2003 đến nay, công đoàn công ty đã mở lớp cho gần 500 học viên học hết trình độ từ tiểu học đến THCS.
|
Từ vốn kiến thức được trang bị, không kể hàng chục công nhân đoạt danh hiệu “bàn tay vàng, hàng chục công nhân Jrai đã được kết nạp Đảng và trưởng thành trên những cương vị công tác khác nhau.
Những điển hình tương tự Kpiuh Khốt có thể kể rất nhiều: Đó là những Siu Hưng đội 16 Nông trường Suối Mơ; Rơ Ma Bil đội 22 Nông trường Thanh Bình; Rơ Châm Blach, Rơ Châm Lưu, Kpuih Broang đội 19 Nông trường Đoàn Kết... 1.150 con người bước vào công nhân từ vốn văn hoá dưới mức sơ đẳng - thậm chí còn chưa biết chữ, nay họ đã có 10% trong đội ngũ cán bộ quản lý gồm 1 phó giám đốc công ty, 1 giám đốc nông trường, 4 đội trưởng, 11 chủ tịch công đoàn bộ phận, 11 cán bộ dân vận, nữ công…
Tuy đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi nhưng trước yêu cầu phát triển tất yếu của kinh tế tri thức, động lực phát triển của văn hóa đang được Công ty Cao su Chư Prông cụ thể hóa thành những chỉ tiêu phải thực hiện: Từ nay đến năm 2015, 100% công nhân (chủ yếu là người địa phương) phải được phổ cập trung học cơ sở. 100 % cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật các đội sản xuất phải có trình độ văn hóa trung học, chuyên môn trung cấp trở lên…
Nâng cao thu nhập vật chất cho công nhân – khó nhưng không khó bằng nâng cao “thu nhập văn hóa” bởi xét cho cùng nhu cầu vật chất là có giới hạn, khi nhu cầu hưởng thụ văn hóa là vô cùng – ông Lương Văn Quý khẳng định… Có lẽ không cần phải minh họa gì thêm bởi đó là một chiến lược phát triển đã được nhìn nhận từ rất sớm của lãnh đạo công ty. Và cũng không chỉ một lĩnh vực riêng lẻ này, đó là toàn bộ sự nghiệp giáo dục đã được chăm lo ngay lúc công ty đứng chân trên miền đất mới...