“Quê ơi! Về nhé”
Các liệt sĩ đang nằm trên đảo Nam Yết.
|
Những chiến sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa đều được đưa về an nghỉ tại nghĩa trang trên đảo Nam Yết. Tại nghĩa trang này có 4 ngôi mộ còn nồng mùi vôi mới: Đinh Thanh Bình (quê Quảng Bình, hy sinh năm 2011); Nguyễn Văn Hà (quê Nghệ An, hy sinh năm 2010); Lại Huy Công (quê Thái Bình, hy sinh năm 2012) và Nguyễn Văn Cường (quê Hưng Yên, hy sinh năm 2012).
Chiều về trên Nam Yết, sắp đến giờ cơm mà bên 4 ngôi mộ này vẫn còn mấy tốp chiến sĩ ngồi nhặt cỏ và trò chuyện với mấy tấm bia mộ dựng vội bằng xi măng. Kẻng báo giờ cơm buổi chiều, tốp chiến sĩ ấy mới thì thầm với người nằm xuống: “Quê ơi! Về nhé”.
Thì ra họ là những tốp đồng hương với các liệt sĩ, ngày mai họ lên tàu trở về đất liền, để lại bạn giữa muôn trùng sóng gió.
Trên Trường Sa, đồng hương với nhau khi nói chuyện không dùng đến các đại từ nhân xưng phức tạp như: Chú, bác, anh, em, họ chỉ thủ thỉ “Quê ơi”. Đêm ấy, những người bạn đồng hương của các liệt sĩ được chỉ huy đảo đặc cách cho ở cùng với bạn đến tận giờ đi ngủ.
Nguyễn Huy Chung - chiến sĩ cùng huyện Kim Động, Hưng Yên với liệt sĩ Nguyễn Văn Cường tay mân mê con ốc: “Mấy bữa nay biển động. Tớ chỉ kiếm được con ốc này thôi. Tớ sẽ mang đến cho em gái cậu. Mai tớ về, cậu ở lại rồi khi nào được về quê, tớ sẽ sang thăm”.
Về chuyện này, Chung kể: “Trước lúc hy sinh, em không biết Cường. Cường hy sinh bên đảo Chìm, lúc đưa về đây an táng được một tuần thì từ bên đảo Chìm điện sang hỏi thăm, khi biết em là đồng hương cùng huyện, các anh bên đó nhờ em chăm lo cho phần mộ của Cường và dặn: Cường viết thư về nhà có hứa mang về cho em gái mình con ốc biển. Vì thế, em thay bạn mang quà về quê”.
Giờ chia tay, trước những ngôi mộ nằm nghiêm trang giữa biển, đại tá Nguyễn Bá Ngọc – Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân xúc động: “Xin các anh linh liệt sĩ thứ lỗi. Đất nước còn khó khăn, thiếu thốn, chưa có điều kiện đưa các đồng chí về nhà ngay với gia đình. Chúng tôi xin hứa, ngay khi có điều kiện sẽ đưa anh em về đất liền quê hương”.
Không thể có điều kiện để ngay sau khi hy sinh có thể đưa thi thể các liệt sĩ về đất liền nên những chiến sĩ ngã xuống trên Trường Sa phải chờ rất lâu để được về nhà. Cát biển, nước biển mặn chát khiến thời gian để hài cốt của họ được sạch sẽ rất lâu, có thể mất đến 7 – 8 năm.
Và nước mắt đất liền vẫn chảy
Trong các liệt sĩ tại Trường Sa, Lại Huy Công và Nguyễn Văn Cường là những người hy sinh gần đây nhất. Tại quê hương xã Hùng Cường, Kim Động, Hưng Yên, bà Hoàng Thị Tuyết - mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Cường lặng lẽ khóc khi chúng tôi hỏi thăm.
Cường là con trai lớn, dưới có cô em gái. Phút xúc động qua đi, bà Tuyết chỉ nói như tự an ủi mình: “Cũng may, em nó được nằm giữa bạn bè, có người thỉnh thoảng nói chuyện chắc nó cũng đỡ tủi”.
Bà kể, tháng 6.2012, sau khi Cường hy sinh được 4 tháng, Bộ Tư lệnh Hải quân có đưa bà ra Trường Sa thăm mộ con. Và đến giờ bà vẫn còn xót xa cho người cùng cảnh ngộ, bà kể: “Hai anh em Lại Huy Công, Nguyễn Văn Cường hy sinh cùng nhau nhưng tôi còn khỏe, còn ra thăm con được, mẹ anh Công yếu quá, không ra được thăm con, thật tội”.
Vào ngày 2.2.2012 định mệnh ấy, khi Cường gặp nguy hiểm, Lại Huy Công đã anh dũng lao tới cứu mạng cho Cường nhưng không thành, cả hai hy sinh cùng lúc và giờ họ lại nằm bên nhau giữa Trường Sa.
Dù vô cùng nuối tiếc khi cậu con trai duy nhất không còn nhưng bà Tuyết bảo: “Thôi thì Cường nhà tôi có một thân, một mình, mất đi còn đỡ, anh Công đã có vợ, con vẫn còn bé nên càng thấy xót xa. Hôm đi Trường Sa về, tôi có đến nhà Công báo tin cho bố mẹ anh ấy để họ yên tâm, nhưng bố Công đã yếu lắm rồi, không biết có chờ được ngày đón con về hay không”.
Vào dịp tháng 6 năm ngoái, trong đợt ra thăm Trường Sa, lúc ấy, ông Lại Vĩnh Thành, bố của Công đang ốm, con thì còn quá bé nên không ai đi được. Và đúng như bà Tuyết tiên liệu, ông Thành vừa mới ra đi mà không được chứng kiến ngày con mình được đưa về quê. Bà Nguyễn Thị Nhật (thị trấn Diêm Điền, huyện Diêm Điền, Thái Bình) - mẹ của liệt sĩ Lại Huy Công - trong vòng hơn một năm đón nhận luôn hai nỗi đau lớn nhất đời: Mất con, mất chồng…
Qua điện thoại, bà chỉ nghẹn ngào: “Tôi mong từng ngày để được đưa Công về quê nằm cùng cha nó”.
64 người ngã xuống ở Gạc Ma 25 năm trước đủ thấy cái giá của chủ quyền dân tộc là vô cùng lớn. Để có được cuộc sống thanh bình ta đang có, những giọt máu Trường Sa vẫn chảy và những giọt nước mắt đất liền vẫn chảy.