Làm theo kinh nghiệm
“Cái quan trọng nhất để chế tạo thành công một chiếc máy thô sơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chính là hiểu nguyên lý vận hành và phải có kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất và vận hành” – nông dân Lê Phước Lộc (Tiền Giang) - một nông dân giỏi được tuyên dương vì phát minh, sáng chế công cụ sản xuất nông nghiệp, nói.
Bà Trần Thị Hòe với chiếc máy rèn do bà tự chế.
Mặc dù chỉ tham gia chế tạo các công cụ đơn giản như kéo cắt tỉa đa năng, cần bao quả, máy dập lõi màng phủ nông nghiệp… nhưng bản thân ông Lộc cũng rất chú trọng tới khâu đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành công cụ. Cũng vì vậy, dù rất khao khát được chế tạo ra những chiếc máy hiện đại hơn nhưng ông cũng đành chịu. “Nhà vườn cần rất nhiều loại máy, thế nhưng vì hạn chế về kiến thức chế tạo máy, lo ngại vấn đề đảm bảo an toàn trong vận hành nên tôi không dám làm”- ông Lộc cho hay.
Bà Trần Thị Hòe (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng là người đi đầu trong phong trào cải tiến máy móc, đã cải tiến thành công máy dập công cụ kim loại. Từng trực tiếp đúc, đập, rèn, bà hiểu rất rõ nguyên lý để có thể tạo ra một chiếc máy đập rèn đa năng, nhưng để lắp ráp hoàn thiện, đảm bảo an toàn thì bà… không dám bởi: “Tôi chưa từng được học ngày nào về các mạch điện, kiến thức vật lý, hóa học nên có cải tiến gì cũng chỉ là từ kinh nghiệm, chỗ nào cảm thấy nguy hiểm thì tránh thôi”. Cũng theo bà Hòe, từ trước đến giờ bà sử dụng máy rèn do bà cải tiến và chưa từng xảy ra tai nạn lao động nên cũng chủ quan.
Cần được đào tạo
Về góc độ chuyên môn, ông Phùng Huy Giật - Trưởng ban Thông tin, tuyên truyền huấn luyện, Hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho rằng: “Trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề đầu tiên cần phải làm là sử dụng hệ thống máy móc an toàn. Tiếp sau đó là trang bị kiến thức vận hành an toàn và nâng cao nhận thức, cảnh giác của lao động trong quá trình sử dụng máy móc”.
Thế nhưng, theo ông Giật, vấn đề quan trong nhất vẫn là do người sản xuất chế tạo máy. “Khi sản xuất, chế tạo máy dù là công cụ thô sơ hay hiện đại cũng phải đảm bảo tiêu chí để cho chiếc máy vận hành an toàn. Nhưng vì chưa từng được học qua trường lớp cụ thể nào nên đòi hỏi nông dân phải tự chế ra được những chiếc máy cùng lúc vừa đảm bảo được cả 3 tiêu chí về năng suất, chất lượng và an toàn là hơi khó” – ông Giật khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Liễu – Vụ trưởng Vụ Khoa học -Công nghệ (Bộ KHCN) - từng là Chủ tịch Ban giám khảo của cuộc thi lựa chọn sáng chế, chế tạo xuất sắc nhất cho rằng: “Nông dân có rất nhiều ý tưởng táo bạo, sản xuất được nhiều công cụ tự chế góp phần vào việc giảm lực lượng lao động, tăng năng suất và chất lượng nông sản. Tuy nhiên họ lại chưa được trang bị những kiến thức cơ bản liên quan tới đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là việc sáng chế máy móc cho an toàn”.
Theo ông Liễu, cần phải có những lớp học ngắn hạn hoặc tập huấn về sản xuất, vận hành máy móc an toàn cho các nông dân giỏi. Chỉ có như vậy, nông dân mới có những kiến thức cơ bản để chế tạo ra những chiếc máy nông nghiệp chất lượng, đảm bảo an toàn”.