Dân Việt

Sử dụng máy nông nghiệp: Đào tạo để tránh tai nạn

02/04/2012 14:32 GMT+7
(Dân Việt) - Chỉ trong tháng 3.2012, tại huyện An Phú, tỉnh An Giang đã xảy ra 2 vụ bị tai nạn máy thu hoạch lúa làm 2 nông dân chết thảm. Nguyên nhân được xác định là do nông dân không được đào tạo trước khi sử dụng máy móc.

Hiện nay, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 11.424 chiếc máy gặt đập các loại. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, những chiếc máy này được đưa xuống đồng ruộng mà nông dân không được đào tạo bài bản về cách sử dụng, cách bảo đảm an toàn lao động…

img
Sử dụng máy móc trong thu hoạch lúa rất dễ xảy ra tai nạn lao động.

Ông Phạm Thành Trung (ở ấp 7, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) có 2 chiếc máy gặt đập liên hợp (GĐLH). Tuy nhiên, từ khi mua máy về làm dịch vụ gặt thuê thì ông và người nhà phải tự học điều khiển, nên rất dễ xảy ra tai nạn và hư hỏng máy móc.

Ông Trung cho biết: “Máy GĐLH điều khiển riết rồi thành quen chứ tui đâu có đi học lái ngày nào. Vì vậy, có khi đụng phải gốc cây, bờ ruộng làm hư hỏng các thiết bị trong máy”. Theo ông Trung, nông dân muốn học điều khiển chiếc máy GĐLH bài bản cũng không được, vì không có ai dạy. Khi mua họ chỉ được cơ sở hướng dẫn chút ít rồi về tự mày mò học điều khiển, học sửa máy.

Ông Nguyễn Công Ly - chủ 3 chiếc máy GĐLH ở xã Phương Thịnh (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cũng thừa nhận không được đào tạo về cách điều khiển máy GĐLH. Ông Lý cho biết: “Khi mua chiếc máy GĐLH đầu tiên thì chỉ được công ty bán máy hướng dẫn 2 buổi lý thuyết về cách sử dụng nhưng cũng chẳng nắm bắt được gì. Cách điều khiển, sửa máy GĐLH chủ yếu theo kinh nghiệm hay người đi trước dạy cho người đi sau, riết rồi thành quen”.

Trao đổi với NTNN, TS Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: “Trong vấn đề thu hoạch lúa bằng cơ giới hóa hiện nay, cái khó nhất của chúng ta là vẫn chưa có trường lớp nào để đào tạo người nông dân điều khiển máy GĐLH. Những nơi sản xuất chỉ bán máy, còn cách sử dụng thì hầu như người nông dân phải tự mày mò, học hỏi”.

Theo TS Bảnh, việc không được đào tạo bài bản không chỉ làm tăng nguy cơ tai nạn lao động mà còn làm giảm hiệu quả sử dụng máy và máy dễ bị hư hỏng. Để tránh tình trạng này, ngành chức năng cần mở lớp đào tạo cho nông dân như đào tạo lái xe 2 bánh, lái ô tô. Đồng thời cấp giấy phép, chứng chỉ để họ được điều khiển làm dịch vụ gặt thuê.