Vụ án Vinashin vừa được xét xử sơ thẩm, người đứng đầu của tập đoàn này bị tuyên mức án 20 năm tù. Theo dõi diễn biến của phiên tòa, người dân càng thấy rõ hơn người ta đã phá tiền của Nhà nước, của nhân dân như thế nào.
Vụ án xét xử Vinashin tạm khép lại, báo chí cũng đã thông tin sai phạm ở các đơn vị khác như Công ty Cho thuê tài chính II thua lỗ và thất thoát gần 10.000 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực VN cũng thua lỗ và thất thoát lớn. Dân chưa hoàn hồn thì Thanh tra Chính phủ lại phát hiện thêm sai phạm hơn 10.000 tỷ đồng tại Tập đoàn Sông Đà. Nếu tính hết khoản thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thì số tiền chắc chắn khủng khiếp hơn nhiều.
Tiền đó ở đâu ra vậy? Thử đưa ra vài con số so sánh để thấy nỗi đau đến đứt ruột đứt gan. Năm 2011, VN xuất khẩu gạo được 3,6 tỷ USD thì nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu và nguyên liệu là 2,4 tỷ USD, như vậy giá trị xuất khẩu mà hạt gạo thực sự mang lại chỉ tương đương 1,2 tỷ USD. Nếu tính luôn cả vốn lẫn lãi trong số tiền có được từ xuất khẩu gạo cũng chỉ đủ để cho 2 tập đoàn của Nhà nước “sai phạm”. So sánh vậy thì bao nhiêu công sức lao động của hàng triệu nông dân, công sức của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã tiêu tan.
Mới toanh là chuyện dân kêu than vì đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân. Nếu việc thu phí hạn chế giao thông được thực hiện đối với 600.000 chiếc ô tô thì mỗi năm sẽ thu được khoảng 12.000 – 15.000 tỷ đồng. Tiền tận thu của dân như vậy cũng chỉ được ngần ấy tiền, vừa vặn cho một tập đoàn “sai phạm”. Đổi lại là chừng đó người sử dụng ô tô thêm khổ sở, đời sống người dân thêm khó khăn, chưa kể là ngành công nghiệp ô tô VN xem như “về mo”.
Đồng tiền của nhân dân vất vả mới làm ra, nhưng có những cá nhân, đơn vị đã làm thất thoát, thua lỗ quá nhiều. Nhưng số người bị chỉ đích danh có hành vi phạm tội để đưa ra tòa còn quá ít.
Chân Tâm