Dân Việt

Phụ huynh tá hoả vì tin nhắn con bị điểm kém

03/04/2012 10:44 GMT+7
Những tin nhắn thông báo điểm của nhà trường đến phụ huynh học sinh nhiều khi bị sai đã khiến không ít gia đình rơi vào bi kịch.

Đang cùng các con ăn bữa nhẹ sau khi đón chúng từ trường về, anh Minh Khang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thấy cô con gái lớn có điện thoại gọi đến.

“Tại sao con bị điểm một môn Toán. Hôm qua, mẹ đã nhắc con làm bài tập, chuẩn bị chu đáo bài vở mà con không tập trung làm cho tốt…”.Thì ra, sau khi nhận được tin nhắn về điểm của con gửi đến điện thoại, vợ anh Minh Khang không kìm nén nổi đã gọi điện từ cơ quan về.

Con gái anh lắp bắp: “Không, con có điểm thấp đâu, làm gì có chuyện như thế”…Tiếng vợ anh vẫn đanh thép trên điện thoại: “Nhà trường nhắn tin đây này, để mẹ chuyển tiếp vào máy con. Nếu bị điểm thấp thì phải nỗ lực mà học, mà vượt lên, mẹ ghét nhất là tính dối trá…”.

Sau khi nhận được tin nhắn chuyển tiếp từ mẹ, cô con gái lớn anh Minh Khang chẳng nói thêm được gì, nước mắt lưng tròng, bỏ bữa ăn dở dang, đi lên phòng riêng của mình.

img
Dịch vụ sổ liên lạc điện tử giúp việc liên kết giữa gia đình và nhà trường chặt chẽ hơn. Ảnh: nsoft

Cách đây khoảng ba tuần, vợ anh Minh Khang cũng nhận được tin nhắn thông báo cháu bị điểm ba môn tiếng Anh. Khi cháu phủ nhận chuyện này hai mẹ con đã to tiếng. Anh Minh Khang chen vào: “Điểm môn nào thấp thì có thể, chứ điểm tiếng Anh thì con gái mình nhắm mắt làm bài cũng không có chuyện được điểm ba…”.

Có cả những trường hợp học sinh được điểm mười, tin nhắn gửi đến cha mẹ học sinh lại là điểm một do “mấy cháu sinh viên nhập liệu ở công ty gõ thiếu số không”.

 Vợ anh không bằng lòng với cách nghĩ của anh, cứ cho rằng bố bao che cho con, làm thế thì con khó tiến bộ. Hôm ấy, gia đình nhà anh Minh Khang đã cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt…

Lần nhận được tin nhắn điểm một môn Toán này, anh vẫn nén lòng, bình tĩnh lên phòng riêng của con gái, động viện cháu rằng nếu bị điểm kém thì con cứ nói thật, điểm kém cũng chưa phải là xấu, là hết cách vượt lên… nhưng cháu bé vẫn khẳng định hai năm rõ mười là cháu hoàn toàn không có điểm thấp như thế.

Nhớ lại lần nhận được tin nhắn báo điểm thấp môn tiếng Anh, anh đã nghĩ ngay đến việc gọi điện trực tiếp cho cô giáo môn tiếng Anh để xác minh. “Cứ chần chừ mãi, cuối cũng tôi cũng thấy ngại. Mỗi cô giáo ở trường thường chủ nhịêm một lớp, dạy môn này ở một đến hai lớp nữa. Nghĩa là họ phải làm việc với trên một trăm học sinh. Dạy xong, về nhà, họ cũng còn bao nhiêu việc gia đình, nếu phụ huynh nào có việc gì dù không lớn cũng gọi điện thì cô giáo chỉ nghe điện thoại cũng đã… chết mệt”.

Buổi trưa, tại cơ quan, nghe mấy đồng nghiệp nói rằng, dạo này trẻ em tự tử nhiều quá, đôi khi vì những lý do chẳng đâu vào đâu, nhiều người đã phải thường xuyên nói với các con rằng nếu có bất kỳ việc gì thì cứ nói thẳng với bố mẹ, đừng làm việc dại dột, cộng thêm cú tin nhắn khiến vợ, con anh “mỗi người mỗi ngả”, lòng dạ anh Minh Khang nóng như lửa đốt. Anh bấm máy gọi lại cho vợ:

Không thể chịu đựng được thêm, anh Minh Khang liền gọi điện cho hội trưởng hội phụ huynh lớp xin số điện thoại cô giáo dạy môn Toán và bấm máy. “Không có chuyện ấy đâu anh ạ, đó là do hệ thống tin nhắn bị nhầm”- cô giáo dạy Toán trả lời.

Đã bình tĩnh lại, anh Minh Khang tiếp tục gọi điện cho cô giáo môn tiếng Anh xác minh về điểm ba hôm trước. Kết quả vẫn là tin nhắn nhầm. Tìm hiểu thêm qua một người bạn làm ở một công ty chuyên làm dịch vụ SMS anh Minh Khang được biết, hiện tượng tin nhắn nhầm dữ liệu thật mà các trường cung cấp không phải là hiếm. Bạn anh Minh Khang còn cho biết, có cả những trường hợp học sinh được điểm mười, tin nhắn gửi đến cha mẹ học sinh lại là điểm một do “mấy cháu sinh viên nhập liệu ở công ty gõ thiếu số không”.

Anh Minh Khang cho biết, đành rằng hình thức liên lạc điện tử tạo nhiều thuận lợi cho việc liên kết chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục con trẻ, nhưng "bi kịch là ở chỗ nhà trường thay mặt công ty làm dịch vụ thu tiền của phụ huynh học sinh nhưng họ lại không kiểm soát được chất lượng dịch vụ đầu ra, tức là nội dung tin nhắn gửi đến điện thoại cha mẹ học sinh có chính xác hay không, nên đã xảy ra không ít bi kịch” - anh Minh Khang nói thêm.

Theo VietNamNet