Theo đánh giá chung, thất thoát sau thu hoạch nông sản của Việt Nam hiện nhiều lĩnh vực còn chiếm tỷ lệ 20 - 30%.
TS Lưu Duẩn (Trường Đại học Công nghệ TP.HCM) cho biết, hiện tổn thất sau thu hoạch ở ngành lúa gạo là 14%, cây có hạt 10%, rau củ quả 10 - 30%, thủy sản 20 - 25%...
Thất thoát lớnTheo ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội NDVN, tuy Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng thứ hạng cao trên thế giới, song giá trị xuất khẩu còn thấp so với các nước.
Nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn manh mún, mang tính tự phát, chưa áp dụng đúng quy trình bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Mặt khác, phần lớn nông dân còn thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật và phương tiện trong bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch, dẫn đến tỷ lệ hao hụt còn lớn, chất lượng nông sản không cao, giá trị thấp và bị ép giá trên thị trường thế giới.
Nông dân trao đổi với các chuyên gia Đức về bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Nông dân Trương Quang An - Chủ nhiệm HTX Thanh long Tầm Vu ở Long An bày tỏ lo lắng là sản phẩm của HTX hiện nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu qua Mỹ nhưng công nghệ bảo quản sau thu hoạch của HTX còn rất kém. “Hàng tươi để đi được qua Mỹ bằng đường thủy phải bảo quản được ít nhất từ 21 - 30 ngày nhưng hiện chúng tôi chẳng biết phương pháp nào để bảo quản. Nghe nói Nhật có công nghệ cho trái cây ngủ đông, có thể bảo quản tươi được mấy tháng, thậm chí cả năm nhưng chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được” - ông An bày tỏ.
Theo nghiên cứu của Viện Cây ăn quả Miền Nam, hiện phần lớn các hoạt động sau thu hoạch của nông dân Việt Nam được thực hiện thủ công. Nhiều tiến bộ trong công nghệ bảo quản sau thu hoạch như các kỹ thuật làm lạnh sơ bộ, kiểm soát và thay đổi nhiệt độ, thành phần không khí trong kho lạnh, đóng gói... chưa được áp dụng, do đó tổn thất sau thu hoạch do hư thối rất cao...
Cần đẩy mạnh đào tạo
TS Helmut Born - Tổng Thư ký Hội Nông dân Đức chia sẻ: Đức có nhiều công nghệ trong bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhưng để chuyển giao được thì công tác đào tạo phải được quan tâm đẩy mạnh, bởi con người là yếu tố quan trọng nhất. “Nông dân các bạn bắt buộc phải tập hợp lại thành HTX?để vừa có thể sản xuất lớn với chất lượng đồng đều, vừa giúp cho công tác đào tạo và chuyển giao công nghệ được thuận lợi và đỡ tốn chi phí hơn” - TS Helmut Born nhấn mạnh.
Theo TS Phạm Thanh Hải: “Việt Nam đang cử 7 nông dân trẻ qua học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các trang trại của Đức. Khi trở về đây sẽ là lực lượng giảng dạy nòng cốt cho chương trình đào tạo song hành này”.
|
TS Phạm Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng NNPTNT Bắc Bộ cho biết, trường đang nghiên cứu mở lớp đào tạo song hành cho nông dân. Chương trình học hỏi kinh nghiệm từ Đức, nông dân sẽ vừa học vừa làm ngay trên đồng ruộng, trang trại của mình. Chương trình chú trọng đào tạo những công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch do phía Hội ND Đức chuyển giao.