"Mưa" không tới mặt
Năm 2011, Trạm Y tế xã Hồng Lý (Vũ Thư, Thái Bình) đã khám chữa bệnh cho gần 1.600 lượt người, điều trị cho 760 lượt bệnh nhân (nội trú 40 người, ngoại trú 720 người). Tuy nhiên, theo ông Vũ Đình Ron - Trạm trưởng TYT thì xã chẳng thu phí được bao nhiêu.
Vượt tuyến khám chứa bệnh, người nghèo càng khổ. |
Quyết định số 10 của UBND tỉnh Thái Bình về việc thu viện phí ở TYT xã phường cách đây 7 năm với mức phí 500 đồng/lần khám, còn các khoản khác cũng dưới 1.000 đồng. Chính vì vậy, TYT chẳng buồn thu, vì thu còn khổ hơn do không có tiền lẻ để trả lại.
Nguồn thu "ra tấm ra miếng" mà TYT xã Hồng Lý trông vào là "sản phí", nhưng năm 2011 chỉ có 8 ca, 3 tháng đầu năm nay chưa có ca nào. Còn lại đều trông chờ vào phần trăm khi bán thuốc theo hóa đơn đối với một số bệnh thông thường như cảm cúm, phụ khoa…
TYT xã Hồng Lĩnh rộng có 50m2 chỉ đủ chứa vài cái bàn khám, trang thiết bị lèo tèo "bệnh nhân họ nhìn vào cũng nản nên chuyển tuyến hết". "Vì thế, chỗ nào vui do tăng viện phí thì vui chứ tuyến xã dửng dưng bởi mức phí có tăng mà cơ sở vật chất sơ sài thế này thì cũng chẳng có bệnh nhân mà khám" - ông Ron cho biết.
Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) cũng đang "rục rịch" xây dựng khung viện phí để ngày 5.4 đề xuất lên Sở Y tế tỉnh. Bác sĩ Trần Tấn Thiện cho biết: "Chúng tôi cũng lựa cơm gắp mắm, có một số khoản thì ngang với bệnh viện tuyến trên, còn một số khoản thì thấp hơn".
Những loại phí liên quan đến các khoản chi "chỗ nào cũng vậy" như điện nước, công lao động, sửa chữa trang thiết bị thì Vạn Ninh "y tuyến trên", còn các khoản khác như khám chữa bệnh, tiền giường, tiêu hao máy móc (thiết bị lạc hậu hơn) thì Vạn Ninh cũng thu "khiêm tốn" hơn vì có muốn "cào" mức phí cho bằng cũng chẳng được duyệt".
Thiệt cho tuyến xã
Trong khi đó, các TYT xã tỉnh Long An được phép thu 132 khoản phí các loại, thấp nhất là phí khám 1.000 đồng/lần, cao nhất là phí mở khí quản 180.000 đồng/lần. Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Liêm - Giám đốc Sở Y tế Long An, TYT xã chủ yếu thu từ nguồn khám bệnh và các dịch vụ "thô sơ" khác như băng bó vết thương, thay băng, hút điều hòa kinh nguyệt, điều trị đau mắt… với mức phí từ vài nghìn đến dưới 20.000 đồng. Vì vậy, số tiền thu được cũng chẳng đáng là bao. Số bệnh nhân khám và điều trị đúng tuyến ở TYT xã của Long An cũng chỉ được 20%.
Lý giải về việc vượt tuyến này, ông Liêm cho biết, người bệnh yêu cầu ngày càng cao trong khi đó chỉ hơn chục xã trên tổng số 190 xã của Long An được trang bị phòng thủ thuật hay máy siêu âm. "Xưa nay cứ kêu tuyến dưới khám bệnh không tốt nhưng các bác sĩ chỉ "tay không bắt giặc" thì khó lòng mà chẩn đoán hay điều trị tốt được. Người bệnh nhìn bác sĩ chỉ có cái ống nghe cũng khó lòng yên tâm" - ông Liêm cho biết.
Ông Lê Thanh Liêm
Hiện nay, Sở Y tế Long An đang hoàn thiện khung viện phí mới với chênh lệch tiền khám cấp tỉnh là 15.000 đồng/lượt, cấp huyện là 10.000 đồng, cấp xã là 5.000 đồng theo đúng quy định của Bộ. Các khoản phí khác đều ở khung "tối đa" và dự tính sẽ đưa vào "chạy" đầu tháng 5. Theo ông Liêm, mức phí chênh lệch này khiến cho TYT xã đã khó khăn càng khó khăn hơn.
"Hiện nay trên 40% bác sĩ tuyến xã đã được đào tạo trình độ trên đại học, là bác sĩ chuyên khoa cấp I. Tiến tới, Long An sẽ "phủ" bác sĩ chuyên khoa cấp I tới 100% tuyến xã. Tuy nhiên, họ cũng mất công sức, mất thời gian được đào tạo như các bác sĩ cấp huyện, cấp tỉnh, có trình độ ngang hàng, chỉ thua bác sĩ tỉnh máy móc nhưng lại bị đánh giá khám "không bằng tỉnh" là rất thiệt thòi" - ông Liêm nhấn mạnh.
Ông Liêm cũng cho biết, dịch vụ y tế như hàng hóa, cần phải đạt chuẩn, chuẩn phải tương đương với giá trị thực tế chứ càng rẻ thì người nghèo càng khổ vì "tiền mất tật mang".
Diệu Linh