Dân Việt

Việt Nam cần có logo cho sản phẩm VietGAP

04/04/2012 16:03 GMT+7
(Dân Việt) - Ở nước ta, nhu cầu sản phẩm rau quả sạch ngày một gia tăng, nên việc sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ngày một nhiều.

Tuy nhiên hiện nay, người sản xuất sản phẩm này gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Một trong những khó khăn đó là sản phẩm VietGAP chỉ được chứng nhận chung chung chứ chưa thiết lập nhãn hiệu (logo) gắn liền với sản phẩm khi được tiêu thụ trên thị trường.

img
Nông dân ưu tư vì sản phẩm VietGAP khó phân biệt với sản phẩm không làm GAP

Vì vậy, người sản xuất chưa chứng minh được cho khách hàng sản phẩm của mình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngược lại người tiêu thụ chưa có gì làm bằng chứng để tin tưởng vào sản phẩm VietGAP vì về mặt hình dạng nhận diện (ví dụ rau xanh VietGAP) cũng tương tự như những sản phẩm khác trên thị trường.

Vì vậy, theo chúng tôi, để khắc phục vấn đề này và giúp thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trước hết là rau và các loại trái cây, đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP cần được gắn trên sản phẩm đó một biểu tượng hay là logo VietGAP.

Tuy nhiên, do đặc điểm sản xuất rau quả tươi theo VietGAP của chúng ta chưa có hệ thống hiện đại như các nước phát triển nên kiểu logo đó sẽ phân thành 3 cấp (mặc dù chất lượng có thể ngang nhau). Đó là cấp huyện, tỉnh và toàn quốc với cùng logo do Bộ NNPTNT ban hành.

Như vậy sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất theo VietGAP ở khắp nơi vì để được chứng nhận toàn quốc sẽ khó khăn và mất thời gian cho những sản phẩm trong phạm vi một địa phương nhất định. Tuy nhiên, dần dần chúng ta sẽ chỉ có logo cho từ 2 - 1 cấp chung cho cả nước.

Những lợi ích có thể thấy rõ của việc được chứng nhận và ban hành nhãn hiệu cho sản phẩm an toàn theo Global GAP và VietGAP, đó là chứng minh cho khách hàng (bao gồm các nhà phân phối, nhà trung gian, nhà nhập khẩu) rằng các phương pháp thực hành sản xuất ra sản phẩm đó là thực hành nông nghiệp tốt. Từ đó tạo lòng tin cho người tiêu thụ để họ an tâm mua và sử dụng sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện đảm bảo cho việc tiếp cận thị trường của sản phẩm, tạo hiệu quả hoạt động và cạnh tranh trên thị trường.

Logo trên sản phẩm VietGAP khi đó được xem như là một hộ chiếu thâm nhập thị trường nội địa và mở rộng xuất khẩu, giới thiệu quá trình đổi mới và cải thiện sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, nó còn làm giảm một số hoạt động kiểm tra tiến hành bởi các đối tác cấp hai bởi vì hầu hết các nhà phân phối trong hệ thống chấp nhận và thống nhất chương trình làm việc theo GAP.