Theo Tờ trình về quy hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do UBND thành phố trình, mục tiêu chung của quy hoạch là tập trung phát triển nông nghiệp thủ đô theo hướng phát triển năng suất, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Nông nghiệp Hà Nội sẽ phát triển theo hướng tăng năng suất, chất lượng. |
Đồng thời, tập trung ưu tiên phát triển những cây, con có lợi thế; giảm dần diện tích sản xuất cây lương thực đi đôi với việc phát triển lúa chất lượng cao; tăng sản xuất rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn vốn, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, tập trung ngoài khu dân cư; từng bước đưa chăn nuôi lợn trên địa bàn Hà Nội theo hướng sản xuất giống, trước mắt ổn định, tiến tới giảm dần tổng đàn lợn; ổn định đàn gia cầm; tăng nhanh đàn bò sữa, phát triển đàn bò thịt. Phát triển thủy sản theo hướng tập trung thâm canh, tăng nhanh năng suất, phát triển bền vững...
Theo tờ trình, đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 là 1,85/năm; giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 1,5%/năm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong tổng GDP thành phố năm 2015 chiếm 3-4%; năm 2020 là 2-2,5%. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp (GTSX) năm 2015: Trồng trọt 40%; chăn nuôi 50%, thuỷ sản 10%. Năm 2020: Trồng trọt 34,5%; chăn nuôi 54,0%, thuỷ sản 11,5%. Giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp (giá thực tế). Năm 2015 trên 231 triệu đồng, năm 2020 trên 340 triệu đồng.
Đáng chú ý, về quy hoạch các cây trồng chủ lực, với cây lúa, năm 2015, diện gieo trồng lúa của Hà Nội đạt khoảng 170-172 nghìn ha, sản lượng 990 - 970 nghìn tấn; đến năm 2020, diện gieo trồng lúa còn khoảng 144 - 146 nghìn ha, sản lượng khoảng 850 - 880 nghìn tấn. Vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao tập trung sẽ có quy mô 40 nghìn ha canh tác (khoảng 75 - 76 nghìn ha gieo trồng, chiếm khoảng 35% tổng diện tích gieo trồng lúa), chủ yếu tập trung tại 8 huyện trọng điểm lúa của thành phố...
Dự kiến, tổng vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020 là khoảng 169,88 nghìn tỷ đồng, trong đó đầu tư sản xuất nông nghiệp là 116,23 nghìn tỷ đồng; đầu tư sản xuất lâm nghiệp là 1,5 nghìn tỷ đồng.
Thẩm tra tờ trình dự thảo quy hoạch nông nghiệp thủ đô, Ban Kinh tế và Ngân sách thành phố cơ bản nhất trí với các nội dung của quy hoạch. Tuy nhiên, Ban lưu ý UBND thành phố cần làm rõ phương án xử lý đối với diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ và đất bãi trong các quận; phương án xử lý, sử dụng hiệu quả đối với quỹ đất giao cho các nông, lâm trường và mối quan hệ quản lý ngành - cấp; xác định cụ thể hơn giải pháp xây dựng các mô hình sản xuất chủ đạo, bổ sung danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030...
Ông Trần Xuân Việt - Phó chủ tịch UBND tP Hà Nội: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Hà Nội có nhiều đặc thù khác với các địa phương khác, do vậy trong quy hoạch phát triển nông nghiệp, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển theo hướng tăng năng suất, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa lớn tập trung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; ưu tiên phát triển những cây con có lợi thế, giảm dần diện tích sản xuất cây lương thực đi đôi với việc phát triển lúa chất lượng cao; tăng sản xuất rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn vốn; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, tập trung ngoài khu dân cư; ổn định đàn gia cầm; tăng nhanh đàn bò sữa, phát triển đàn bò thịt; phát triển thủy sản theo hướng tập trung thâm canh, tăng nhanh năng suất, phát triển bền vững…
Ông Nguyễn Văn Xuyên - Bí thư huyện Ứng Hòa: Nên phân rõ loại đất cần ưu tiên trước
Hà Nội đặt mục tiêu dồn điền, đổi thửa xuống mỗi hộ còn từ 1-2 thửa là rất cần thiết để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa. Tuy nhiên, nếu không phân rõ loại đất nào cần ưu tiên thực hiện trước sẽ rất khó triển khai. Nên chăng cần tập trung dồn điển, đổi thửa đối với đất trồng lúa để đảm bảo tính khả thi. Ngoài ra, thành phố cũng cần quy định rõ chính sách hỗ trợ của thành phố đối với các địa phương đã tiến hành dồn điển, đổi thửa trên 50% diện tích đất nông nghiệp.
Đức Hiếu