Công bằng ở đâu?
Nguyên nhân nhà ông Phạm Văn Bích bị cưỡng chế, phá dỡ và bị phạt hành chính 22,5 triệu đồng là do ông đã dựng nhà trong hành lang bảo vệ đê điều. Nhưng ông Bích lại cho chúng tôi biết thêm một sự thật khác: “Kết luận nhà tôi trong hành lang bảo vệ đê điều rồi tổ chức phá thì tôi cũng đồng tình. Nhưng tôi chỉ hỏi tại sao các hộ dân quanh đây cũng cùng tình trạng với nhà của tôi, cũng nằm trong hành lang này lại vẫn ngang nhiên được phép xây dựng?”.
Căn nhà trong hành lang bảo vệ đê điều ở xã Hợp Đức, Thanh Hà đang trong quá trình hoàn thiện - cách Hạt Quản lý đê điều Thanh Hà gần 1km. |
Trả lời về việc hàng loạt ngôi nhà bê tông kiên cố (khoảng vài chục căn) đang nằm trong hành lang bảo vệ đê sông Thái Bình, đoạn chảy qua huyện Thanh Hà mà không bị phá bỏ như nhà ông Bích, bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết: “Việc này là do lịch sử để lại chứ không phải lỗi do những cán bộ hiện tại”.
Còn đại diện Hạt Quản lý đê điều thì lý giải một cách rõ ràng hơn: “Những hộ mới xây dựng thì dễ phá hơn. Khi đã thành nhà rồi thì khó giải quyết lắm. Những ngôi nhà bê tông kiên cố ở đây là những tồn tại của lịch sử do cách quản lý lỏng lẻo của chính quyền trước đây. Chúng tôi bây giờ chỉ tập trung xử lý những sai phạm đang phát sinh mà thôi”.
“Sao những nhà khác cùng tình trạng với gia đình tôi, mà chỉ nhà tôi bị phá, sao chỉ con nhà tôi phải ra đường ăn tết?”
Ông Phạm Văn Bích
“Anh đừng có tị nạnh với người ta”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết
- Phó Chủ tịch huyện Thanh Hà
Khi được phóng viên NTNN cung cấp các hình ảnh nhiều ngôi nhà bê tông hiện đang xây dựng và đang hoàn thiện ngay gần trụ sở Hạt Quản lý đê điều Thanh Hà, các lãnh đạo của Hạt đều chung câu trả lời: “Cái này chúng tôi còn đang nghiên cứu”. Khi chúng tôi hỏi: “Hạt Quản lý đê điều đã có báo cáo về những vi phạm và phương án xử lý những trường hợp vi phạm Pháp lệnh Bảo vệ đê điều này chưa?”, câu trả lời nhẹ tênh: “Sẽ làm trong thời gian tới!”.
Như vậy, để sửa chữa một quyết định sai lầm của mình, UBND huyện Thanh Hà đã quá sốt sắng trong việc cưỡng chế tháo dỡ nhà dân, khiến gia đình ông Bích phải ăn tết cổ truyền trong cảnh màn trời chiếu đất.
Né tránh và quanh co
Quay trở lại vụ việc cưỡng chế, tháo dỡ nhà ông Bích, bà Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Thị Tuyết cho rằng: Hội đồng cưỡng chế huyện Thanh Hà có mặt tại hiện trường, tuy nhiên không tham gia tháo dỡ nhà ông Bích mà để gia đình ông tự tháo dỡ. Tuy vậy, khi chúng tôi đưa ra bằng chứng là đoạn clip quay cảnh tháo dỡ, trong đó xuất hiện nhiều lực lượng an ninh, vũ trang của huyện thì bà Tuyết lại nại ra lý do: “Chúng tôi có tham gia vì sợ… nguy hiểm cho gia đình ông Bích”(?).
Khi được hỏi: “Nếu gia đình ông Bích tự tháo dỡ thì tại sao đến tận bây giờ, huyện vẫn không hỗ trợ kinh phí tự tháo dỡ cho gia đình ông Bích?”, thì bà Tuyết trả lời: “Các lãnh đạo huyện trước đây đã đồng ý hỗ trợ kinh phí tự tháo dỡ cho trường hợp này 10 triệu đồng, nhưng vì chưa thấy gia đình ông Bích làm đơn xin hỗ trợ nên thôi”.
Hiện tại, theo ông Phạm Sỹ Thảo - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã nhận được nội dung vụ việc và đang trong quá trình kiểm tra để giải quyết.
Báo NTNN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này đặc biệt là về quyết định giải quyết của UBND tỉnh Hải Dương.
Nam Hải