Dân Việt

Để già mà không yếu: Dưỡng lão vẫn cần "quy củ"

07/04/2012 18:33 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày Sức khỏe thế giới năm nay có chủ đề “Người già và sức khỏe” với mong muốn “hướng” người cao tuổi (NCT) vào cuộc sống khỏe về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng muốn khỏe, NCT cần được làm theo sở thích...

“Tự chơi” cũng cần định hướng

Theo thống kê, Hội NCT có hơn 7,7 triệu hội viên trên tổng số hơn 8,7 triệu NCT cả nước. Hiện nay, NCT đang có hơn 36.000 câu lạc bộ (CLB) các loại, tuy nhiên chỉ chiếm 1/3 số chi hội. Rất nhiều chi hội có 3-4 CLB nên nhiều CLB cũng “trắng” sân chơi cho hội viên.

img
CLB của NCT chủ yếu là “tự phát” và tự chơi.

Theo bà Lưu Thị Hường – Trưởng ban Xã hội sức khỏe (T.Ư Hội NCT), các CLB này đa số là CLB văn hóa với các hình thức như ca hát, làm thơ vì… không cần kinh phí. Các CLB thể dục thì chủ yếu là tập dưỡng sinh. “Các CLB hình thành tự phát, theo sở thích nên tự lập, tự tan nếu như người cầm trịch không hăng hái, nhiệt tình”– bà Hường cho biết.

Ông Đặng Vũ Cảnh Linh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển từng có nghiên cứu sâu về các mô hình chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam cho biết: “Nhu cầu đích thực của NCT là sau khi đã nghỉ hưu sẽ có thời gian, tâm sức để làm việc mình thích, điều mà xưa nay vì miếng cơm manh áo, vì đóng góp cho xã hội, họ chưa có cơ hội thực hiện. Nghỉ ngơi nghĩa là có cơ hội để phát triển cái tôi của mình, được làm việc mình yêu thích chứ không phải ngồi chơi xơi nước, chờ được phục vụ, được báo hiếu, được dưỡng già”.

Hiện nay, đang có nhiều hình thức “tận dụng” sức lao động của NCT, đồng thời “cắt đứt” cơ hội được làm việc mình yêu thích của các cụ như: NCT thay “ôsin” chăm sóc cháu, trông nhà, trông cửa hàng… Nhiều người trẻ cho rằng như thế là yêu thương, là “tạo việc làm” để các cụ đỡ buồn chán nhưng thực chất đang lạm dụng cha mẹ...

Dưỡng lão cần “quy củ”

Hiện nay, nhu cầu được sống trong các nhà dưỡng lão rất lớn. Bà Hường cho biết, Hội đã thành lập 5 trung tâm với mục tiêu nuôi dưỡng NCT nhưng do không hề có chính sách hỗ trợ phải tự bơi, đuối sức nên tự giải tán. Hiện chỉ còn một trung tâm hoạt động tư vấn sức khỏe.

Theo bà Hường, các trung tâm bảo trợ xã hội mà tỉnh nào cũng có đang tập trung “xếp” NCT cùng các đối tượng khác như HIV, mồ côi, tàn tật… khiến các cụ không có được môi trường sống phù hợp mà còn “chạnh lòng”. Còn số lượng trung tâm nuôi dưỡng NCT tư nhân thì cũng lộn xộn và không được kiểm soát, thậm chí chỉ là một vài phòng chật chội như nhà “giữ già”.

“Luật NCT có nhiều điều khoản quy định về việc tạo điều kiện, hỗ trợ địa điểm, dụng cụ, cơ sở vật chất để NCT được vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ trên văn bản”.

“Do không có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện nên các cá nhân đều tự thuê đất, xây nhà, mua sắm trang thiết bị, đẩy giá thành lên quá cao, từ 5-10 triệu đồng/tháng/người, rất ít NCT có thể vào ở được. Hơn nữa, hoạt động tự phát sẽ không có ai kiểm tra được chất lượng dịch vụ, xem các cụ đã được chăm sóc đúng quyền, đúng giá trị tiền của mình chưa, có gì khuất tất, gian dối ở đó không?” – bà Hường đặt câu hỏi.

Theo ông Linh, ngay cả khi vào trung tâm dưỡng lão thì NCT vẫn cần được khuyến khích thành lập các CLB sở thích một cách đa dạng. Có thể là CLB đàn hát, thơ văn, tập thể dục, nhưng cũng có thể là tiếp tục được sáng tạo, được làm việc, kiếm tiền… Tuy nhiên, “sân chơi” của NCT hiện nay chỉ thuần túy là “giải trí” chứ không bao hàm nghĩa làm việc, phát huy chất xám của NCT. Do đó, Hội NCT không chỉ “hướng chơi” mà còn nên xây dựng các CLB có ý nghĩa đóng góp xã hội, định hướng cho họ phát triển như nhóm các thầy cô giáo nghỉ hưu, nhóm sáng chế, nhóm từ thiện…

“Tạo sân chơi cho NCT tự vận hành sẽ giúp họ phát huy sức sáng tạo, sống vui vẻ, tự tin, hạn chế bệnh tật, đồng thời giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội” – ông Linh cho biết.