Một ông lên tiếng:
- Làng mình ít lúa nhưng thu hoạch lại gọn, không như đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm có tới 20 triệu tấn, mùa gặt mà mưa thóc rụng, thóc hỏng vì không phơi phóng, thiệt hại bạc tỷ.
- Tỷ là thế nào, đã tính lượng thất thoát sau thu hoạch tới 365 triệu đô la/năm, 7- 8 nghìn tỷ, nuôi sống được cả triệu người.
- Ở ta cứ phơi lên đường cái là xong. Phơi xong thóc lại rải rơm ra hong, xe chạy qua còn tận dụng được thóc cho gà.
Cụ lão nông xua tay:
- Đừng nói tới lối làm ăn cò con của bà con làng ta nữa. Vừa xấu hổ, vừa chẳng biết đến bao giờ mới giàu được.
- Nói giàu thì ngay nông dân Nam Bộ cũng đâu đã giàu. Riêng công nghệ sau thu hoạch nông dân phải bỏ tiền ra xây lò sấy thóc cũng vẹt đi một góc. Cuối cùng làm nhiều nhưng ăn ít.
- Giá nước mình có những lò sấy, bảo quản, những silô như tháp nhà máy lọc dầu sừng sững thì nông dân sướng biết mấy.
- To tiền lắm, mấy chục năm nữa may ra mới có. Các nước họ sản xuất lớn, còn nông dân ta ruộng ai nấy làm như thời trước cải cách ruộng đất. Không còn HTX hay nông trường trồng lúa, không có doanh nghiệp làm ruộng thì cơ giới hóa, cơ khí hóa thế nào được?
- Cứ gì hạt lúa sau thu hoạch, bói cũng không ra một cơ quan hay doanh nghiệp nào sản xuất máy làm ruộng, toàn là nông dân tự làm, hoặc vài ông mày mò tự chế máy cấy, máy cày, máy gặt.
Có người thở dài:
- Chung quy chỉ tại hạt lúa, củ khoai là thứ rẻ mạt nhất ở nước ta. Làm ruộng, dù có nông dân Nam Bộ có đến 10ha cũng chỉ đủ tiền tự xây lò sấy lúa thủ công, mua máy gặt tự chế, tiền đâu mua máy ngoại.
- Nói đúng, cũng vì hạt lúa rẻ, nông dân ít tiền nên chẳng ai nhập máy ngoại giá cao. Các nhà máy cơ khí cũng chế tạo một số máy nông nghiệp nhưng nông dân không mua, tự chế rẻ hơn, làm xong cho hàng xóm thuê cùng làm.
- Ta nói chuyện từ nãy giờ - một người lên tiếng - tóm lại chuyện cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, công nghệ sau thu hoạch toàn là bà con ta tự làm, hoặc “nông dân đi trước, Nhà nước theo sau”?
- Ông cứ nói thế, việc mình mình lo, ai “theo sau” làm gì? Thực tế có ai theo đâu?
- Sao hôm rồi bác Bộ trưởng NNPTNT trực tuyến nói Nhà nước đã đầu tư đến 44% ngân sách cho nông nghiệp. Một tỷ thứ chi tiêu mà gần một nửa cho nông dân, có nước nào ưu ái bà con ta như nước mình?
- Tôi chẳng biết tiền nhà nước có bao nhiêu, nhưng cái hôm trực tuyến có bác nông dân đã bộc trực với bác Bộ trưởng: Tôi chẳng thấy mình được đồng nào cả!?
Lý Lão Làng