Dân Việt

“Chiến hạm” giữa rừng sâu

08/04/2012 06:24 GMT+7
(Dân Việt) - Nằm giữa rừng thẳm với đội quân khai thác lên đến gần 100 người nổi tiếng liều lĩnh, bãi vàng Khe Cốp được coi là “chiến hạm” rất khó công phá và rất nguy hiểm cho người muốn vào.

Không ai dám dẫn đường

Thời gian gần đây, người dân xã Sơn Thủy và xã A Ngo cạnh bên thường kháo nhau thông tin về bãi vàng Khe Cốp (thuộc địa phận thôn Quảng Hợp, xã Sơn Thủy, huyện A Lưới). Ai cũng bảo những người quê Thái Nguyên khai thác vàng trái phép ở Khe Cốp trúng đậm vàng sa khoáng và một diện tích lớn rừng tự nhiên ở đây đã bị phá tan hoang để lấy vàng... Thông tin trên thôi thúc chúng tôi đột nhập bãi vàng Khe Cốp để nắm tình hình.

img
Một hầm vàng xuyên núi ở Khe Cốp.

Hỏi đường vào Khe Cốp, không người dân nào ở xã Sơn Thủy và A Ngo không biết. Nhưng thông tin từ những người chỉ đường khiến chúng tôi không khỏi lo ngại: Bãi vàng Khe Cốp nằm giữa rừng sâu, xa khu dân cư gần chục cây số. Muốn vào bãi vàng này phải băng qua rất nhiều con dốc khúc khuỷu, cao ngất, hoặc phải đi từ sông A Á men theo Khe Cốp đi ngược lên.

Cả hai tuyến đường này đều đầy rẫy sự nguy hiểm, nhất là khi gặp mưa rừng. Định thuê người dân dẫn đường để vào bãi vàng Khe Cốp nhưng tất cả những người dân được nhờ cậy đều từ chối. Họ ngại, ngoài việc đường rừng hiểm trở còn vì sợ bị dân đào vàng “xử”.

“Các anh có thuê tiền triệu chúng tôi cũng không dám vào. Công an, dân quân năm sáu chục người vào đó mà còn không làm gì được chúng”- hai thanh niên người Pa Kô ngồi uống cà phê bên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Sơn Thủy, nói với chúng tôi.

Không thuê được người dẫn đường thì tự đi vậy, chúng tôi quyết tâm. Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo tuyến đường mòn trơn trượt vắt qua những ngọn núi điệp trùng... Những con dốc cao khiến chân chúng tôi bắt đầu run, đầu gối như muốn va vào nhau.

Đi được khoảng 1km, chúng tôi gặp 3 thanh niên người dân tộc đang hì hục gùi hàng vào bãi vàng. Đây là những người được “vàng tặc” ở Khe Cốp thuê gùi lương thực, thực phẩm, xăng dầu vào bãi hàng ngày. Với mỗi 1kg hàng đưa vào bãi vàng được trả 5.000 đồng tiền công, mỗi chuyến gùi hàng một người sẽ được trả công từ 200-250 nghìn đồng.

Chúng tôi bắt chuyện và xin đi theo, nhưng những người này không nói câu nào và nhìn chúng tôi với ánh mắt sắc lạnh. Biết không nhờ được, anh em tôi giả bộ thất vọng chào và quay lui… rồi lặng lẽ lần theo dấu chân họ mà đi. Mò mẫm lên lên xuống xuống theo con đường mòn cũng mới chắc chỉ phục vụ cho bãi vàng.

Trời mới mưa, con đường xuyên rừng ấy trơn như đổ mỡ nhưng cũng là một cái may cho chúng tôi vì dấu chân, vết trượt của những người gùi hàng in rõ. Hơn 3 giờ bám theo họ chúng tôi bắt đầu nghe thấy tiếng máy nổ. Nghe tiếng máy, mừng húm, không lạc và cũng bắt đầu… sợ. Đi thêm 20 phút nữa, chúng tôi đến sát khu vực bãi vàng nằm dưới vách núi.

Đốn rừng, khoét núi lấy vàng

Khoảng rừng rộng mấy nghìn mét vuông thuộc tiểu khu 292 của xã Sơn Thủy đã bị đốn hạ để đào vàng. Hàng loạt cây gỗ cổ thụ ước tính cỡ 2 người ôm chỉ còn trơ gốc. Hơn 10 chiếc lán mái che bằng bạt màu xanh, là nơi sinh hoạt của những đối tượng khai thác vàng trái phép. Theo quan sát của chúng tôi, bãi vàng này có gần 40 hầm hố sâu hoắm, khoét sâu vào núi. Có gần chục máy đào đãi vàng và máy phát điện hoạt động hết công suất, gầm rú vang cả khu rừng.

Theo quan sát của chúng tôi, bãi vàng có khoảng 70 người đang hì hục đào - đãi. Hầu hết những người này đều nói giọng Bắc, số ít còn lại nói giọng người địa phương. Với cường độ đào vàng như ở đây, chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ có thêm nhiều diện tích rừng bị “vàng tặc” đốn hạ để mở rộng phạm vi khai thác.

“Mỗi lần truy quét phải huy động 40-50 người mới trấn áp được “vàng tặc”. Đường rừng khó khăn, lực lượng lượng đông nên rất tốn kém và mệt mỏi”.

Theo nhiều người dân xã Sơn Thủy, bãi vàng Khe Cốp đã hoạt động gần 2 năm nay. “Vàng tặc” ở đây hoạt động cả ngày lẫn đêm, bất kể mưa nắng. Thời gian đầu quy mô và số người khai thác nhỏ lẻ, nhưng khoảng từ tháng 8.2011 đến nay, bãi vàng không ngừng được mở rộng với số người đào vàng kéo về ngày càng đông. Đối tượng khai thác vàng ở đây rất ít khi ra khỏi bãi vì đã được dân bản “tiếp tế” lương thực, thực phẩm, nhiên liệu thường xuyên.

Theo Công an huyện A Lưới, bãi vàng Khe Cốp là một điểm khai thác vàng trái phép hết sức phức tạp. Từ trước đến nay, Công an huyện đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm, tài nguyên môi trường… 4 lần vào đây truy quét “vàng tặc”. Trong các lần truy quét, lực lượng chức năng đã phá hủy nhiều máy móc, lấp các hầm khai thác vàng nhưng ngay sau khi lực lượng chức năng rút đi, những đối tượng khai thác vàng lại sửa chữa và mua sắm máy móc để hoạt động trở lại.

Ngoài ra, khi truy quét, lực lượng liên ngành thường bị lộ do những đối tượng khai thác vàng cử người theo dõi từ xa.