Trong suốt cả tuần qua, thông tin cũng được coi là một “tâm bão tranh luận” bên cạnh quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả, rởm chính là việc Bộ Công an trình dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.
Trong dự thảo Nghị định này có điều khoản cho phép người thi hành công vụ được phép bắn vào kẻ chống người thi hành công vụ khi thấy có dấu hiệu nguy hiểm. Ý kiến phản bác cũng lắm, nhưng ý kiến thuận chiều cũng không ít.
Trong số những ý kiến thuận chiều, đáng chú ý có lời tâm sự của một cán bộ Công an Hà Nội được đăng tải trên báo điện tử VietNamNet, kể lại câu chuyện tác nghiệp của anh và đồng đội xảy ra năm 1989 để minh chứng cho việc được phát súng nhưng không được bắn thì khổ sở và nguy hiểm thế nào: …"Thấy số người từ trong ngõ ùa ra khá đông với thái độ hung hãn, anh cùng đồng đội phải giơ thẻ ngành, rút súng bắn chỉ thiên cảnh cáo. Thế nhưng, các đối tượng manh động vẫn tiếp tục xông vào, thậm chí định cướp súng của cảnh sát. Trong trường hợp đó, một đồng đội của anh đã phải gắng nằm đè lên khẩu súng, ngay giữa lòng đường, không để các đối tượng hung hăng cướp được súng, gây hậu quả khôn lường"…
Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đó, có một ý kiến khác cũng rất được lưu tâm, chính là lời chia sẻ, cũng khá thật thà, của Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội - nhằm trấn an dư luận về khả năng lạm quyền của người thi hành công vụ: "Việc nổ súng bắn người đâu có dễ, từng có cán bộ thi hành án bắn trượt do quá run... nên không lo việc xảy ra lạm quyền (khi người thi hành công vụ được phép bắn)".
Qua đây, có thể thấy ý kiến đồng tình đa phần là của người trong ngành công an, hoặc rộng hơn nữa là của những người thực thi công vụ. Họ mong muốn một sự an toàn tối đa cho công việc luôn phải đối mặt với hiểm nguy, âu cũng là điều dễ hiểu! Còn ý kiến phản đối thì rất nhiều. Ngoài những người dân thường với nỗi lo tính mạng, sức khỏe của họ có khả năng bị đe dọa nhiều hơn khi đối mặt với người thi hành công vụ, còn có nỗi lo của những chuyên gia pháp lý khi quy định này có nguy cơ làm cho mọi người nghĩ sai về khái niệm nhà nước pháp quyền.
Sẽ ra sao nếu tính mạng, sức khỏe của một con người mới có dấu hiệu phạm tội được người thực thi công vụ quyết định ngay trên đường phố, trong một tích tắc phán đoán ngắn ngủi bằng cảm tính của mình, thay vì được cả hệ thống các cơ quan tư pháp xét xử theo đúng trình tự tố tụng để đảm bảo khách quan, công bằng (?)
Rõ ràng, một quy định, một chính sách bất thường, gây ra những nỗi bất an cho những đối tượng mà nó điều chỉnh mới gặp phải những bất trắc và bất đồng từ số đông.
Ngẫm kỹ ra, quy định cho phép người thi hành công vụ được nổ súng ngay, thực chất cũng là để tăng thêm uy quyền cho người thực thi công vụ. Liên quan tới cái uy của người thi hành công vụ, còn nhớ trước đó không lâu, Công an TP Hà Nội cũng ra quy định yêu cầu các CSGT bụng phệ sẽ không được đứng ngoài đường, tránh người dân có cái nhìn thiếu thiện cảm với người thực thi công vụ.
Nhưng, xét cho cùng, cái uy của người thi hành công vụ lại không hoàn toàn nằm ở khẩu súng đạn đã lên nòng anh cầm trên tay, hay bộ quân phục vừa vặn với cái bụng thon gọn. Cái uy được tạo nên chính bởi cách cư xử đường hoàng chứ không lén lút nấp núp để phạt dân. Cái uy được tạo nên bởi cách trò chuyện lịch sự đúng mực chứ không phải thái độ sừng sộ quát nạt dọa dẫm người dân yếu thế. Cái uy được tạo nên bởi khả năng nắm giữ và vận dụng pháp luật một cách linh hoạt chứ không phải là sự mơ hồ và cứng nhắc để đẩy khó về phía dân, lấy dễ về mình. Cái uy được thể hiện ở sự chia sẻ, cảm thông với kẻ khó, mở cho họ lối thoát chứ không phải để dồn họ vào bước đường cùng…
“Cái áo không làm nên thầy tu”. Cái uy của người thực thi công vụ không phải và sẽ không bao giờ đến từ bộ quần áo hay khẩu súng. Nó nhất thiết phải được tạo nên từ niềm tin của người dân với một đất nước pháp quyền, với một lực lượng thực thi công vụ hoàn toàn vì công lợi.
Hải Phong